(HNM) - Sau gần 8 tháng áp dụng chính sách chuyển mạng giữ số (kể từ ngày 16-11-2018), thuê bao đăng ký tham gia vẫn đạt tỷ lệ thấp. Vậy, thực trạng này là do thủ tục hay do các nhà mạng áp dụng nhiều ưu đãi để "giữ chân" thuê bao?
Theo thông tin từ Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), hiện chỉ duy nhất VinaPhone có lượng thuê bao chuyển đến thành công nhiều hơn chuyển đi (dương 67.000 thuê bao); 3 nhà mạng còn lại là Viettel, Vietnamobile, MobiFone đều âm. Cũng đến thời điểm này, cả nước có 751.523 thuê bao đăng ký chuyển mạng giữ số, đạt 5,6% (trong tổng số 134,5 triệu thuê bao); trong đó mới chỉ có 576.274 thuê bao đã chuyển mạng thành công (4,2%).
Vậy đâu là lý do khiến lượng thuê bao đăng ký thấp? Theo nhìn nhận của anh Lý Đình Đoàn - một thuê bao đã chuyển sang mạng Viettel được 2 tháng (ở Lại Yên, huyện Hoài Đức), có không ít thuê bao đã đăng ký chuyển mạng nhưng không thành công vì đã dùng các gói cước cam kết của nhà mạng, phải hết thời gian quy định mới được chuyển đổi.
Trong khi đó, chị Hoàng Hương (ở ngõ 42 phố Triều Khúc, quận Thanh Xuân) cho biết, chị và chồng chị đăng ký chuyển 2 số thuê bao từ Vietnamobile sang mạng khác nhưng đều bị hệ thống từ chối vì thông tin đăng ký không chính xác... chị đã gửi phản ánh đến bộ phận chính sách của Vietnamobile từ ngày 28-6, nhưng đến nay chị vẫn chưa nhận được trả lời.
Để xóa bỏ “rào cản” cho thuê bao chuyển mạng giữ số, từ giữa tháng 3-2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các nhà mạng nâng cao tỷ lệ chuyển mạng; đồng thời, Cục Viễn thông thiết lập đường dây nóng tiếp nhận khiếu nại việc nhà mạng gây cản trở khách hàng chuyển mạng. Số liệu cập nhật mới nhất cho thấy, Viettel dẫn đầu về lượng thuê bao chuyển đi thành công với 86,7%; tiếp đến là VinaPhone 74,8%; MobiFone 72,8%; Vietnamobile 52%. Còn số liệu xử lý khiếu nại liên quan đến chuyển mạng giữ số cho thấy, trong khi cả Viettel, VinaPhone, MobiFone đều đạt 100%, thì Vietnamobile chỉ đạt 77%.
Từ thực tế trên, theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải, kinh nghiệm từ quốc tế cho thấy, trong giai đoạn đầu chuyển mạng sẽ có dao động rất lớn, sau sẽ bình ổn lại. Tỷ lệ thuê bao chuyển mạng trên thế giới khoảng dưới 5%, nhưng ở Việt Nam cần thời gian để đánh giá về chính sách này.
Đánh giá về việc triển khai chuyển mạng giữ số, ông Phạm Ngọc Tú, Trưởng ban Nghiên cứu và Phát triển thị trường VinaPhone nhấn mạnh, chuyển mạng giữ số đã thúc đẩy nhà mạng ra mắt những gói cước nhiều ưu đãi, bám sát nhu cầu thực tế, để nâng cao trải nghiệm và lợi ích của khách hàng. Còn đại diện nhà mạng Viettel khẳng định, ngay từ đầu, Viettel xác định việc chuyển mạng giữ số là cơ hội để cải thiện chất lượng, dịch vụ để khách hàng chuyển đến một cách tự nhiên.
Với phương châm đó, thời gian qua, cả Viettel và VinaPhone đều liên tiếp đưa ra các chương trình “siêu” ưu đãi dành cho khách hàng. Chẳng hạn, chỉ ít ngày sau cuộc chạy đua tặng tốc độ/băng thông gấp 2 lần cho khách hàng dùng internet - nhưng giá không đổi (áp dụng từ ngày 1-6), thì 3 tuần sau, cả hai lại bước vào cuộc đua ưu đãi khác. Trong đó, nếu như Viettel hướng đến quyền lợi của thuê bao bằng cách tặng điểm khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ bất kỳ qua chương trình khách hàng thân thiết Viettel++, thì VinaPhone ưu đãi tối ưu quyền lợi khi khách hàng dùng dịch vụ của VNPT...
Có thể nói, sự cạnh tranh giữa các nhà mạng chính là khâu chăm sóc khách hàng có tốt hay không. Do vậy, việc chuyển mạng giữ số hay giữ chân thuê bao cũng không nằm ngoài mục tiêu này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.