Sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng về việc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), dường như Brussels nhận ra hạn chót của “vụ ly hôn” ngày 29-3-2019 khó lòng thực hiện được.
Trưởng đoàn đám phán Brexit của EU, ông Michel Barnier đã đề xuất nới rộng thời gian Anh ở lại trong thị trường đơn nhất EU và liên minh thuế quan EU thêm tối đa 2 năm.
Báo Anh dẫn lời ông Barnier cho biết, trong khoảng thời gian này, Anh sẽ phải chấp nhận hoạt động đi lại tự do của người dân và đồng ý đóng góp 12,8 tỷ USD/năm cho ngân sách chung của khối.
Sau cuộc gặp với ông Barnier ngày 18-11, đa số đại sứ châu Âu đã nhất trí lấy sự kiện năm mới 2022 là hạn cuối cho quá trình Brexit. Một đại sứ trả lời tờ The Sun rằng, họ không muốn quá trình chuyển tiếp kéo dài vô tận và nếu như không đạt được một thỏa thuận chung, họ sẽ dùng đến “lưới an ninh” (backstop) của EU - nhằm giữ chân Bắc Ireland trong liên minh thuế quan với khối EU.
Hai bên cần nhất trí về ngày “ra đi” cuối cùng trước khi cuộc họp ngày 25-11 đặt bút ký chốt lại. Các đại sứ cũng nhất trí mở rộng tuyên bố chính trị về thương mại từ 7 trang lên 20 bằng việc thêm các chi tiết trong hoạt động đánh bắt cá và “sân chơi bình đẳng”.
Tối cùng ngày, phía London lên tiếng bác bỏ các báo cáo rằng, họ đã đồng ý với ngày đề xuất trên, cho biết điều này “vẫn chưa được nhất trí”.
Tuy nhiên, ngày 19-11, Bộ trưởng Kinh doanh Greg Clark thông báo, Anh có thể đề nghị một giai đoạn chuyển tiếp Brexit lâu hơn nếu cần thiết. Ông cũng không loại trừ khả năng quá trình này có thể kéo dài đến năm 2022.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.