(HNM) - Hôm nay 18-8, tức 12 tháng Bảy âm lịch, sắp đến tiết Vu Lan. Theo quan niệm truyền thống của người Việt, đây là dịp để con cái bày tỏ lòng hiếu kính đối với cha mẹ.
Cũng theo quan niệm truyền thống của người Việt, "trần sao âm vậy", chính vì vậy dịp này lại là thời điểm vàng mã... "lên ngôi". Có thể thấy thực tế này qua hầu hết chợ ở Hà Nội, mà một trong những "địa bàn" chính là phố Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm).
Tục đốt vàng mã không mới. Tuy nhiên, đằng sau tập quán đốt vàng mã của người dân, có thể thấy vô số điều bất cập. Theo một khảo sát sơ bộ, trung bình mỗi năm người dân Hà Nội lãng phí khoảng 400 tỷ đồng cho việc đốt vàng mã. Tại đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), khối lượng vàng mã đem hóa dịp "cao điểm" mỗi ngày lên tới hàng tạ, tương đương hàng chục triệu đồng tiền thật. Còn trong một tiết Vu Lan, có người đã bỏ tới 400 triệu đồng để làm 1.000 người, ngựa giấy, đốt "tặng" Thổ Công, Hà Bá mong các "ngài" phù hộ cho... giá vật liệu xây dựng tăng... Những gia đình có điều kiện kinh tế hạn chế, đốt vàng mã cung tiến tổ tông khiêm tốn; những gia đình càng có điều kiện, phần chi cho đốt vàng mã càng nhiều. Thiệt hại kinh tế trực tiếp do đốt vàng mã đã thấy rõ. Thiệt hại gián tiếp trong nhiều trường hợp không thể lường hết. Đốt vàng mã, trên thực tế, từng gây ra nhiều vụ hỏa hoạn, trong đó có những vụ nghiêm trọng như cháy nhà, thậm chí cả cháy rừng. Những nhà quản lý cũng nhận thấy điều này. Theo Nghị định số 75/2010/NĐ-CP ngày 12-7-2010 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 1-9-2010, cơ quan chức năng sẽ xử phạt đốt đồ vàng mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, nơi công cộng khác...
Theo đó, cơ quan chức năng sẽ xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi đốt đồ mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, nơi công cộng khác...
Đốt vàng mã là tập quán đã có từ lâu, thể hiện quan niệm tâm linh, tín ngưỡng của người Việt. Không chỉ tiết Vu Lan, vào các dịp tuần tiết, sóc vọng, ngày kỵ (ông bà, cha mẹ), người Việt cũng đốt vàng mã. Tuy vậy, trong tiết Vu Lan, đốt vàng mã, ngoài góc độ kinh tế, ở khía cạnh xã hội cũng có nhiều điều đáng nói. Thực tế rất chua xót là nhiều người lúc cha mẹ còn sống thì ngược đãi thế nhưng khi cha mẹ khuất núi, đến ngày lễ Vu Lan, những người con ấy lại đốt vàng mã rất nhiều để... tỏ lòng hiếu kính. Vậy thì có nên biến ngày lễ Vu Lan trở thành dịp... phô bày mê tín dị đoan, lãng phí hay một thứ hiếu đễ giả tạo?
Thực trạng xã hội cho thấy nhiều vấn đề xã hội đáng lo ngại khi nhiều giá trị gia đình bị hủy hoại. Khi những giá trị gia đình đảo lộn, khi những bậc sinh thành không được quan tâm, phụng dưỡng lúc còn sống thì mọi thứ vàng mã, giá trị dù lớn hay nhỏ, đều không còn ý nghĩa. Vì vậy, tiết Vu Lan, ngoài góc độ kinh tế, còn là dịp nhắc nhở về nhiều vấn đề xã hội. Và điều đáng quan tâm nhất, như các cụ dạy, là: Thứ nhất thì tu tại gia/Thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa/Tu đâu bằng tu tại gia/Thờ cha, kính mẹ mới là chân tu.
Lời nhắc nhở ấy trong bối cảnh xã hội hiện nay càng có giá trị hơn bao giờ hết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.