Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từ trang sách lên sân khấu: Xem, hiểu rồi yêu

Song Nhật| 17/06/2023 10:18

(HNMCT) - Một loạt tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới đang từ trang sách “bước” lên sân khấu, mang đến trải nghiệm vừa quen vừa lạ cho công chúng, đặc biệt là lứa tuổi học đường. Vừa học vừa khám phá lại những thứ tưởng đã thuộc lòng bằng loại hình nghệ thuật biểu diễn giúp các em “gieo mầm” tình yêu với sân khấu một cách tự nhiên.

Cảnh trong vở "Cánh diều làng Vũ Đại" của Nhà hát Chèo Hà Nội.

Từ trang sách lên sân khấu

Thời gian này, hầu hết sân khấu ở Thủ đô đều đang dàn dựng tác phẩm được chuyển thể hoặc lấy cảm hứng từ các tác phẩm được sử dụng trong sách giáo khoa. Đây là việc làm cụ thể hóa Đề án “Giới thiệu và biểu diễn các vở diễn được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới có trong chương trình giáo dục phổ thông tại các trường học của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2030” được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tháng 10-2022, thực hiện chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”.

Là một trong những tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam, “Truyện Kiều” của Nguyễn Du luôn là một đề tài đầy thách thức với các tác giả, đạo diễn sân khấu. Tác phẩm này đang được Nhà hát Cải lương Hà Nội phục dựng để tái ra mắt khán giả. Nhạc sĩ Phạm Bá Chỉnh, Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội cho biết: “Vở cải lương “Kiều” được Nhà hát Cải lương Hà Nội dàn dựng từ những năm 1980, đã được nhà hát biểu diễn hàng nghìn đêm và gây được ấn tượng sâu sắc đối với nhiều thế hệ khán giả. Vở có nội dung tốt, tính giáo dục cao, còn nguyên giá trị về nghệ thuật và thẩm mỹ, phù hợp với nhiều đối tượng khán giả”.

Với Nhà hát Kịch Hà Nội, NSND Trung Hiếu đã chuyển thể, đạo diễn vở “Tinh thần thể dục” vừa dí dỏm, hài hước, vừa sâu cay đúng với tinh thần mà nhà văn Nguyễn Công Hoan đã thể hiện trong tác phẩm cùng tên của ông. Trước đó, Nhà hát Kịch Hà Nội cũng đã dàn dựng thành công vở “Thúy Kiều - Một kiếp đoạn trường” lấy cảm hứng từ kiệt tác “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du.

Nhà hát Chèo Hà Nội cũng có một loạt vở diễn được dàn dựng dựa trên các tác phẩm văn học được đưa vào sách giáo khoa. Mới đây nhất là vở “Cánh diều làng Vũ Đại” phỏng theo tác phẩm “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao. Bên cạnh đó, nhà hát cũng cho ra đời nhiều vở diễn, trích đoạn lấy cảm hứng từ các câu chuyện dân gian như “Chuyện thằng Bờm”, “Thạch Sanh”, “Tấm Cám”...

Điều thú vị là không chỉ các nhà hát thuộc sự quản lý của Thành phố, các sân khấu khác cũng rất hào hứng với xu hướng sáng tạo này và đã có những tác phẩm gây ấn tượng mạnh với công chúng. Trên sân khấu Lệ Ngọc, khán giả được thưởng thức những tác phẩm như vở “Thị Nở - Chí Phèo”, “Dế Mèn”, “Tấm Cám”, “Vang bóng một thời” (phỏng theo tác phẩm “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân)... Nhà hát Tuổi trẻ đã có những vở kịch chuyển thể từ tác phẩm văn học rất thành công, mới đây nhất là vở “Chú mèo dạy hải âu bay” dựa trên tác phẩm nổi tiếng của nhà văn người Chile Luis Sepulveda...

Gieo mầm và nuôi dưỡng tình yêu

Trong Đề án “Giới thiệu và biểu diễn các vở diễn chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới có trong chương trình giáo dục phổ thông tại các trường học của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2030”, UBND Thành phố nhấn mạnh: Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định đưa tới thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 Khóa XI của Đảng về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" đã chỉ rõ một trong những nhiệm vụ cụ thể cần tập trung giải quyết, đó là: Tăng cường giáo dục nghệ thuật, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho nhân dân, đặc biệt là thanh niên, thiếu niên; Phát huy vai trò của văn học - nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm của con người; Bảo đảm quyền hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của mỗi người dân và của cộng đồng... Trong các loại hình nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật kịch nói và ca kịch truyền thống có thế mạnh là phản ánh hiện thực cuộc sống một cách chân thực, sâu sắc và trực tiếp nhất, do đó có điều kiện và khả năng đóng góp tích cực và hiệu quả vào việc tuyên truyền, thực hiện nhiệm vụ quan trọng.

Là một trong những nghệ sĩ gắn bó rất lâu với sân khấu học đường, với NSƯT Ngọc Ánh, Trưởng đoàn 3, Nhà hát Chèo Hà Nội, việc đến trường diễn cho học sinh luôn là trải nghiệm đặc biệt. Chị chia sẻ: “Các em vô cùng hào hứng với các buổi diễn. Các em được xem các trích đoạn gần gũi với mình, được giao lưu, tìm hiểu về nghệ thuật chèo, tỏ ra rất hứng thú khi được hướng dẫn kỹ thuật biểu diễn chèo đơn giản như cách đi, cách mở quạt, cách hát... Đoàn diễn xong là các em ùa lên, chen nhau xin chữ ký của diễn viên. Điều đó làm chúng tôi hết sức xúc động. Chúng ta phải có trách nhiệm truyền cho các em tình yêu để góp phần giữ gìn nghệ thuật truyền thống của cha ông”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Từ trang sách lên sân khấu: Xem, hiểu rồi yêu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.