(HNM) - Như hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 10/2000/TTLT-BTM-BTC-BCA-BKHCNMT do Bộ Thương mại, Bộ Công an và Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ban hành thì hàng hóa được coi là hàng giả có một trong các dấu hiệu: Hàng hóa không có giá trị sử dụng hoặc giá trị sử dụng không đúng như bản chất tự nhiên, tên gọi và công dụng; hàng hóa đưa thêm tạp chất, chất phụ gia không được phép sử dụng làm thay đổi chất lượng; hàng hóa không đủ thành phần nguyên liệu hoặc bị thay thế bằng những nguyên liệu không bảo đảm chất lượng so với tiêu chuẩn đã công bố... Trong đó, đáng chú ý là hàng hóa chưa được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn mà sử dụng giấy chứng nhận hoặc dấu phù hợp tiêu chuẩn (đối với danh mục hàng hóa bắt buộc) cũng được coi là hàng giả.
Ấy là quy định của pháp luật về hàng giả mà nhiều người quen gọi là... hàng rởm. Và ngày 10-1-2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả trong đó cũng nêu rõ các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả bắt buộc phải chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đại loại là như vậy. Xin nêu một chuyện khác. Trong phiên trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, cách dạy, cách học, thi ngoại ngữ hiện nay của chúng ta không giống ai trên thế giới. Đúng là một nhận xét rất cần suy nghĩ, đặc biệt là hiện nay chủ trương của chúng ta là đẩy mạnh dạy và học ngoại ngữ, nâng cao khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ cho nguồn nhân lực. Vậy nhưng cũng theo khảo sát của Bộ GD-ĐT - như cung cấp của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trước diễn đàn Quốc hội - Chúng ta dạy, học chủ yếu là ngữ pháp, cho nên học hết phổ thông không nói được, người ta nói cũng không hiểu được. Nghe thật buồn cho "sản phẩm" của ngành giáo dục. Cũng luận theo câu nói này, học ngoại ngữ mà không nói được, rồi nghe cũng không hiểu người ta nói gì thì không thể hiểu học sinh của chúng ta đã được dạy, được học những gì trong những giờ học ngoại ngữ? Vậy đây có phải là những sản phẩm... rởm?
Giải thích về nguyên nhân của chuyện này, theo Bộ trưởng GD-ĐT là do: "Giáo viên dạy trong nhà trường phổ thông dạy ngoại ngữ chưa đạt chuẩn. Nhiều cháu học ở trung tâm ngoại ngữ về phát âm rất giỏi, thầy cô lại chê". Như vậy để xảy ra tình trạng trên có phần lỗi không nhỏ của những người được giao trọng trách "trồng người" khi đào tạo ra những "sản phẩm" kém chất lượng.
Nêu lại câu chuyện này không có nghĩa là soi mói, phân tích các ngóc ngách của vấn đề để rồi quy kết lỗi thuộc về ai. Về đường lối đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở giáo dục, đào tạo và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học... Tất cả vì mục tiêu tạo ra chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục, đáp ứng yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực trong giai đoạn mới. Chính vì lẽ đó, như đã nêu, chỉ riêng phần ngoại ngữ đã đủ thấy chúng ta phải thay đổi phương thức dạy và học, đó là gốc của vấn đề, rồi tiếp đến mới là việc thi cử và những chuyện ở tầm vĩ mô. Bàn và luận từ những việc sát với đời sống là như vậy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.