Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tự hào 45 năm mang tên “thành phố Hồ Chí Minh”

Nguyễn Lê| 02/07/2021 06:50

(HNMO) - Cách đây đúng 45 năm, ngày 2-7-1976, Quốc hội khóa VI họp kỳ họp thứ nhất đã quyết định đổi tên thành phố Sài Gòn - Gia Định thành thành phố Hồ Chí Minh - theo tên vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trải qua gần nửa thế kỷ, thành phố vinh dự được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng vươn lên mạnh mẽ, trở thành đầu tàu kinh tế, xứng đáng với sự kỳ vọng của nhân dân cả nước.

Thành phố Hồ Chí Minh đang vươn lên tầm cao mới.

Năng động, mạnh dạn tạo nên “thương hiệu”

Những ngày đầu đầy khó khăn, thành phố vừa kết thúc chiến tranh, các thế lực phản động không ngừng chống phá, bị bao vây cấm vận, thiên tai xảy ra ở vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long..., người dân phải chạy ăn từng bữa...

Tuy nhiên, theo PGS.TS Phan Xuân Biên, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, tài sản lớn nhất của thành phố là có những vị lãnh đạo được trui rèn qua bao thử thách khốc liệt, được nhân dân đùm bọc luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ: “Dân đói là Đảng và Chính phủ có lỗi”, nên đã mạnh dạn tìm mọi giải pháp để lo cho dân, lo cho sản xuất, kinh doanh, đưa thành phố vươn lên.

Toàn cảnh Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ I - vòng 2, tháng 4 - 1977. Ảnh: Tư liệu.

Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh khóa I đã có hai nghị quyết quan trọng là Nghị quyết lần thứ 9 (năm 1979) và Nghị quyết lần thứ 10 (năm 1980), đề ra những hướng đột phá theo tinh thần chủ động, sáng tạo từ cơ sở. Đồng thời, thành phố đề ra yêu cầu “tìm nguồn nguyên liệu cho sản xuất”, qua đó, xuất hiện nhiều gương sáng điển hình làm theo “cơ chế thành phố”. Hàng vạn lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua, tổ đội Lao động xã hội chủ nghĩa xuất hiện, được Hội đồng Nhà nước tặng Huân chương, Hội đồng Bộ trưởng cấp Bằng khen... 

Bà Ngô Thị Huệ (Bảy Huệ), phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nhớ lại: “Thời kỳ anh Nguyễn Văn Linh làm Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh (1981-1986), cùng với Ban Thường vụ Thành ủy đã “bật đèn xanh” khuyến khích cán bộ thay đổi cách nghĩ, cách làm; thực hiện “cởi trói” về cơ chế để giúp sản xuất “bung ra”... Nhờ đó, thành phố đã vượt qua khó khăn. Những thử nghiệm và mô hình mới ở thành phố Hồ Chí Minh về trả lương theo sản phẩm trong xí nghiệp, khoán sản phẩm trong nông nghiệp, nhập khẩu nguyên liệu, khôi phục ngành tiểu thủ công nghiệp... đã hồi sinh hàng loạt cơ sở sản xuất, kinh doanh, góp phần quý báu giúp Đảng ta quyết định xóa bỏ cơ chế tập trung bao cấp, bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc xây dựng đất nước”.

Còn theo PGS.TS Phan Xuân Biên, thực tiễn là người thầy kiểm nghiệm khắt khe nhất, chính xác nhất. Cách làm theo cơ chế của thành phố Hồ Chí Minh lúc đầu cho là “phá rào”, “xé rào”, sau này được ghi nhận là “bước đột phá đầu tiên” của quá trình đổi mới, là “năng động, sáng tạo”, “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” như là thuộc tính, đặc trưng mang tính đặc thù, là thương hiệu của thành phố mang tên Bác Hồ vĩ đại.

Vươn lên tầm cao mới

Nghị quyết số 16-NQ/TƯ ngày 10-8-2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 đã khẳng định, thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước.

Lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh thị sát tiến độ xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Sau hơn 35 năm đổi mới và 45 năm kể từ khi được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố trung bình chiếm 21,5% tổng sản phẩm nội địa (GDP). Mức tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm từ 2010 trở về trước gấp 1,5 lần mức tăng bình quân của cả nước. Tổng thu ngân sách của thành phố chiếm gần 1/3 của cả nước, GDP bình quân đầu người gấp 3 lần mức bình quân của cả nước.

Thành phố có hoạt động sản xuất, kinh doanh và khoa học, công nghệ đứng tốp đầu cả nước với 17 khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao; trong đó, khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) là khu chế xuất đầu tiên của cả nước. Thành phố cũng có Công viên phần mềm Quang Trung, là công viên phần mềm đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam. Hiện thành phố có khoảng 400.000 doanh nghiệp đang hoạt động, là một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu, với sản lượng xuất khẩu hàng hóa lớn.

Về hạ tầng đô thị, thành phố có những công trình lớn, mang tầm vóc quốc tế như đường hầm sông Sài Gòn, tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sắp vận hành; Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng; Khu đô thị mới Thủ Thiêm đang được đẩy nhanh xây dựng...

 Thành phố đi đầu trong phát triển khoa học, công nghệ (trong ảnh: Viện Công nghệ Nano - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh).

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, sự năng động, sáng tạo, mạnh dạn tìm tòi, đổi mới kết hợp với ý chí, quyết tâm và niềm tự hào được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo nên động lực, khơi dậy sức mạnh nội sinh giúp thành phố ngày càng phát triển toàn diện, xứng đáng là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ... của khu vực phía Nam và cả nước.

Đồng chí Nguyễn Thành Phong khẳng định, thành phố tiếp tục tập trung triển khai các quan điểm chỉ đạo, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố, nỗ lực hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI đã đề ra; trong đó trọng tâm là thực hiện tốt các chương trình, đề án thuộc 4 chương trình phát triển thành phố (đổi mới quản lý; phát triển hạ tầng; phát triển nhân lực và văn hóa; phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực của thành phố).

“Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh trong tình hình mới, thành phố tiếp tục đề xuất Trung ương phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa cho thành phố về ngân sách, quản lý kinh tế, quản lý đô thị, dự án, tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, đột phá cao nhất để thành phố xây dựng thành công chính quyền đô thị theo nghị quyết của Quốc hội”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tự hào 45 năm mang tên “thành phố Hồ Chí Minh”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.