(HNMCT) - Tập thơ “Thời nắng xanh và những bài thơ khác” (NXB Hội Nhà văn, 2022) là tập thơ thứ 11 của nhà thơ Trương Nam Hương kể từ tập thơ “Khúc hát người xa xứ” trình làng năm 1990.
Điều dễ nhận thấy ở mỗi tập thơ của Trương Nam Hương thể hiện nỗ lực sáng tạo và định hình một phong cách thơ độc đáo hội tụ nhiều vùng miền. Thơ anh ký thác muôn mặt cuộc sống, tình yêu, gia đình, bạn hữu, sự chiêm nghiệm... được viết bằng trái tim đa cảm, bằng ngôn ngữ thơ trong sáng, tinh tế, nhẹ nhàng, sâu lắng.
Sinh ở Hải Phòng nhưng cả tuổi thơ của Trương Nam Hương lớn lên ở Hà Nội, đến năm 12 tuổi (1975) anh theo gia đình vào Nam định cư từ đó đến nay. Nên tập thơ nào của anh cũng thao thiết nỗi nhớ miền Bắc với “Lỗi hẹn sông Cầu”, “Nhớ mẹ và làng quan họ”, “Chiều ấy Hải Phòng”, “Nhớ Kỳ Cùng”, “Ghi ở Đồng Văn”, “Lên Yên Tử”... Ký ức miền Bắc tình quê dào dạt không thể nguôi quên, cứ chạm là nhớ: “Tháng Giêng hoa xoan rơi vụng dại/ Em với sông Cầu xanh ở lại/ Anh đi rét ngọt giữa tay cầm” ("Lỗi hẹn sông Cầu"), “Khẽ quờ tay chạm cát sông Hồng” ("Hồi tưởng"); “Thao thiết Giêng Hai mắt trông ngõ đợi/ Quê nhà hun hút, quê nhà xa xăm” ("Gọi nhau mấy thuở"), “Hạt gạo ít, hoa gạo nhiều đến thế/ Bao gió bấc mưa phùn không đếm xuể” ("Cổ tích của bà")...
Đặc biệt là 12 năm tuổi thơ sống ở Thủ đô mà con người và thơ Trương Nam Hương cứ thao thiết trọn đời. Anh nói giọng Bắc, nhớ Hà Nội, yêu vẻ Hà Nội trầm lắng. Trong ký ức của nhà thơ luôn hiện hữu một Hà Nội trong mọi thời khắc: “Mặt hồ giữa phố như nghiên mực/ Sông thảo hoa văn một nét rồng/ Hoa sữa thơm nồng trên giấy điệp/ Bốn mùa thao thức tuổi rêu phong”. Anh thích nhâm nhi cà phê kiểu Hà Nội: “Cà phê đắng những vỉa hè Hà Nội” ("Tặng những mùa xưa"), “Cho tách cà phê thấm vị buồn/ Không nhớ bao lần anh hỏi nhớ/ Tây Hồ em khuấy có lên sương” ("Nhắn"). Giữa “Hà Nội chậm về", nhà thơ “Hồi tưởng”: “Sóng cứ vỗ nao lòng Hà Nội”. Khi nỗi buồn giăng mắc, thi sĩ “Ta mang thơ hồ Tây gió/ Em xuống Nghi Tàm nhặt tiếng ru” ("Thiếu phụ").
Trong ký ức của anh còn có một Hà Nội trong chiến tranh: “Những đêm Hà Nội đèn dầu/ Mẹ nhìn chớp bờ đê nháy nhóa”, “Bom đạn ì oằm không ngắt nổi bà tôi” ("Cổ tích của bà"), “Con nhận nước sông Hồng làm máu đỏ” ("Nhớ sông mẹ"). Chiến tranh mang gương mặt đau thương nhưng Hà Nội của anh vẫn hiên ngang, đằm sâu chất hào hoa: “Một thời Hà Nội hiên ngang/ Giữa bom rơi, hứng quả bàng chín rơi/ Một thời Hà Nội cùng tôi/ Mũ rơm, lọ mực, nếp xôi đến trường/ Một thời Hà Nội thảo thương/ Sẻ chia lát đậu, thìa đường, mớ rau/ Một thời Hà Nội buốt đau/ Khâm Thiên trắng xót mái đầu khăn tang” ("Một thời Hà Nội").
Nhớ thương Hà Nội, để khi sống giữa Sài Gòn nhà thơ vẫn hoang hoải tháng Giêng: “Gặp một Sài Gòn thật lạ/ Mưa xuân đất Bắc vương vào/ Anh mời heo may ghé quán/ Gọi cà phê nhớ xôn xao” ("Lời mời tháng Giêng"). Gặp bình cúc họa mi thấy “Sài Gòn bất chợt tinh khôi/ Là khi hoa cúc đến ngồi với anh... Bên em anh gọi một ly gió mùa” ("Vào quán với cúc họa mi"). Nhớ Hà Nội là Trương Nam Hương nhớ “một chút heo may ngọt”, “heo may ghé cửa phòng”, “heo may dầm sấu”. Nhớ Hà Nội, là nhà thơ “thương hoa sữa tuổi mười lăm”, “thương hoa sấu tóc thề tuổi mơ”. Và nỗi nhớ ân tình “Tạ ơn Hà Nội trọn đời/ Nuôi tôi thương khó. Tôi thời trong veo” ("Một thời Hà Nội").
Thơ Nam Hương có nhiều câu thơ trong một dòng thơ: “Bờ đê. Đêm ấy/ Sóng. Trăng. Cỏ mềm” ("Sông 17 tuổi"), “Đêm. Từng đêm. Ngồi nhớ quê, buồn!” ("Gửi một người xa")... Đặc biệt, cách ngắt câu trong dòng thơ lục bát “Nhớ lim dim phố đuôi mày xếch. Trăng...” ("Trăng phố") độc đáo. Trương Nam Hương còn sáng tạo những từ láy làm câu thơ giàu giá trị biểu cảm: “Sáng nay trời đất ngây ngoai quá”, “Những mộ cỏ đầu gà ngúc ngắc”, “Nếu không em nữa sông lơ lạc”, “Buồn từ lơ lắc nghiêng đâu cũng buồn”, “Loăn thoăn đồng đất tối ngày”, “Thun thăn váy lá bỏ bùa ai đây”, “Cỏ may giăng vấp víu áo quần”, “Mẹ nhìn chớp bờ đê nhoáy nhóa”...
Nhà thơ còn tìm tòi, thể nghiệm, làm mới các thể thơ truyền thống: “Từ hội Đạp Thanh đến Tiền Đường nước mắt/ Hai trăm năm sóng cỏ cuốn xanh về/ Không vớt nổi Thúy Kiều qua mực bút/ Nguyễn Du buồn sợi tóc nhuốm hoa lê” ("Nỗi niềm Nguyễn Du"), “Chị vẫn mời trầu, thơ đãi khách/ Xòe tay hầu quạt thế nhân này/ Duyên chung không thắm, tình riêng bạc”, và thật tài tình nhà thơ dùng từ láy sáng tạo “ngốc ngây” trong câu “Váy vén ngôn từ ghẹo ngốc ngây!” ("Còn mãi Hồ Xuân Hương")...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.