(HNMO) - Trung Quốc vừa bỏ tù một nhà báo nổi tiếng với mức án bảy năm về tội danh tiết lộ tài liệu mật cho một trang mạng nước ngoài, BBC đưa tin.
Bà Cao Du, 71 tuổi, đã “cung cấp bất hợp pháp thông tin mật của nhà nước cho người nước ngoài”, tòa án ở Bắc Kinh cho biết.
Giới chức nói bà Cao Du đã tiết lộ tài liệu nhạy cảm và sau đó tài liệu này đã được đăng lại rộng rãi ở nước ngoài. |
Trung Quốc vẫn chưa xác nhận đó là tài liệu gì, nhưng đó là một tài liệu về chiến lược của Đảng Cộng sản, được biết đến với tên gọi “Văn kiện số 9”.
Tài liệu này với nội dung là nên có những hạn chế gay gắt hơn nữa đối với dân chủ, xã hội dân sự và báo chí.
Tổ chức Ân xá Quốc tế, đã gọi bản án là “một sự sỉ nhục công lý”.
Bà Cao là “nạn nhân của luật bí mật nhà nước được quy định một cách mơ hồ, tùy tiện, vốn được dùng để đối phó với các nhà hoạt động trong cuộc tấn công của giới chức vào quyền tự do ngôn luận”, William Nee, một nhà nghiên cứu người Trung Quốc trong nhóm hoạt động nhân quyền đã nói.
Shang Baojun, một trong các luật sư của bà Cao nói họ rất thất vọng về bản án được đưa ra này và sẽ kháng cáo.
Bà Cao bị bắt giữ vào tháng 4/ 2014. Vài tuần sau đó, hệ thống truyền hình quốc gia CCTV đã phát sóng một đoạn băng video quay bà Cao, với gương mặt đã được làm mờ đi, thừa nhận mình đã thực hiện một sai lầm lớn.
Các luật sư của bà Cao nói bà đã làm bản tuyên bố sau khi cảnh sát đe dọa con trai bà. Sau đó, bà đã bị đưa ra xử vào tháng 11. Một luật sư khác của bà, Mo Shaoping, nói với BBC rằng việc buộc nhận tội là không hợp lệ và đó sẽ là căn cứ để nhóm luật sư kháng cáo.
Là một phóng viên có uy tín được kính trọng, bà Cao viết cho truyền thông Hồng Kông và các nơi khác, và đã từng bị tù vào thập niên 1990. Khi đó bà bị kết tội gửi các tài liệu của đảng, gồm cả một bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc khi đó, ông Giang Trạch Dân, cho một tờ báo Hồng Kông.
Việc ra phán quyết đối với bà Cao được thực hiện vào lúc đang có một cuộc đàn áp trên diện rộng đối với tự do ngôn luận tại Trung Quốc, theo báo cáo phóng viên BBC Celia Hatton ở Bắc Kinh.
Theo nhóm cố vấn truyền thông của Ủy ban Bảo vệ Phóng viên, bà Cao là một trong số 44 nhà báo Trung Quốc bị giam sau song sắt. Nhóm này nói hiện Trung Quốc là quốc gia bỏ tù nhà báo nhiều nhất trên thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.