(HNM) - Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu là vị khách tiếp theo của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump khi bắt đầu chuyến thăm Mỹ vào ngày 15-2. Sau 8 năm căng thẳng với chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, nhà lãnh đạo của Israel đang nóng lòng cải thiện mối quan hệ với nhà bảo trợ chiến lược này.
Thủ tướng Israel B.Netanyahu hy vọng vào mối quan hệ tốt đẹp hơn với chính quyền Tổng thống D.Trump. |
Theo giới phân tích, mục tiêu của ông Benjamin Netanyahu có được những thuận lợi nhất định bởi trước khi chính thức nhậm chức, Tổng thống Mỹ D.Trump đã nhiều lần khẳng định sự ủng hộ hoàn toàn đối với Israel. Tel Aviv hy vọng có thể nhận được sự ủng hộ của Washington đối với các vấn đề của họ. Tuy nhiên, phát biểu trước thềm cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo, một quan chức của Nhà Trắng tái khẳng định quan điểm của Tổng thống Mỹ là duy trì hòa bình tại Trung Đông, đặc biệt giữa Israel và Palestine. Phát biểu mang tính khái quát như vậy được xem là điều khá "lạ" so với những gì ông D.Trump thể hiện trước đó.
Ngoài ra, việc Tel Aviv hiện vẫn liên tiếp cấp phép xây dựng các khu định cư mới trên đất chiếm đóng của Palestine, bao gồm hàng nghìn ngôi nhà ở bờ Tây đã gây ra những phản ứng dữ dội của cộng đồng quốc tế. Điều này dẫn tới những thay đổi về lập trường nhất định của Tổng thống Mỹ, theo đó ông D.Trump cho rằng các khu định cư mới của Israel trên những vùng lãnh thổ của Palestine sẽ không đem lại hòa bình mà trái lại sẽ là một trở ngại đối với tiến trình này.
Trong khi đó, Washington cũng đang đối mặt với tình huống tiến thoái lưỡng nan. Nếu ủng hộ Israel mạnh mẽ và gặp thất bại trong việc thúc đẩy giải pháp hai nhà nước, ông D.Trump sẽ làm lung lay vị trí vững chắc của Mỹ đối với việc giải quyết cuộc xung đột kéo dài giữa Israel và Palestine, đồng thời phá tan chính sách vốn đã được các chính phủ của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ thống nhất theo đuổi nhiều năm qua.
Hơn nữa, bất cứ dấu hiệu giảm nhẹ nào đối với sự ủng hộ Nhà nước Palestine vào lúc này cũng đem tới nguy cơ đẩy Mỹ đối diện với những giận dữ của thế giới Hồi giáo, trong đó bao gồm cả các đồng minh Arab dòng Sunni. Điều này tất yếu sẽ dẫn tới những ảnh hưởng tiêu cực đối với cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Trung Đông.
Ngoài ra, cách dư luận phản ứng đối với những chính sách gần đây của ông D.Trump cũng buộc Washington phải điều chỉnh chính sách đối ngoại để hạn chế những phản ứng tiêu cực nảy sinh tại Trung Đông. Đây cũng là lý do chính quyền Washington đẩy mạnh việc tham vấn các nước đồng minh Arab trong thời gian qua.
Về phía Israel, Thủ tướng B.Netanyahu cũng được cho là sẽ thể hiện sự thận trọng nhất định trong chuyến thăm Mỹ lần này mà lý do trước hết nằm ở việc tân Tổng thống D.Trump là một người khó dự đoán trước. Dù đã cầm quyền 11 năm, nhà lãnh đạo Israel lại chưa từng hợp tác với bất kỳ ông chủ nào của Nhà Trắng thuộc đảng Cộng hòa.
Vì vậy, những động thái thăm dò và tạo lập mối quan hệ mới tốt đẹp ban đầu chắc chắn sẽ được ưu tiên hơn, từ đó tiến tới giải quyết những vấn đề khác về lâu dài. Ngay trước chuyến thăm, ông B.Netanyahu từng khẳng định quan hệ đồng minh giữa Israel và Mỹ luôn cực kỳ bền vững và sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn. Thông qua chuyến thăm, ông cũng dự định tìm cách nâng cấp quan hệ Mỹ - Israel trong nhiều lĩnh vực.
Giữa bối cảnh như vậy, nhiều ý kiến phân tích cho rằng rất có thể hai nhà lãnh đạo sẽ né tránh đề cập đến các vấn đề quá gai góc, mà việc xây dựng các khu định cư Do Thái hay di dời Đại sứ quán Mỹ về Jerusalem là hai điển hình. Thay vào đó, hai bên sẽ thảo luận một số vấn đề ít căng thẳng hơn như thỏa thuận hạt nhân của Iran hay cuộc chiến tại Syria, nơi cả hai có thể tìm thấy tiếng nói chung dễ dàng hơn. Đây được xem là một trong những cách để cả Washington và Tel Aviv duy trì hòa khí cho mối quan hệ trong bối cảnh phức tạp hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.