Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trông chờ sự đột phá trong công tác cán bộ

Hà Phong| 24/10/2015 06:54

Cải cách thủ tục hành chính giúp khu vực tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn; đổi mới công tác


Đây là ba trong nhiều nội dung cấp bách được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm, góp ý tại phiên thảo luận ở tổ về các "Dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng" ngày 23-10.

Mấu chốt là công tác cán bộ

Các văn kiện được các ĐBQH góp ý gồm, Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XI tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Ðảng; Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

ĐB Nguyễn Quốc Bình (Đoàn Hà Nội):
Nông nghiệp hữu cơ là xu thế của thế giới 

Trong lĩnh vực nông nghiệp, dự thảo văn kiện chỉ đề cập gắn phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn với việc xây dựng nông thôn mới, định hướng phát triển theo hướng công nghệ phát triển cao...

Dự thảo chưa nói định hướng phát triển theo hướng nông nghiệp hữu cơ. Tôi cho rằng, đây chính là xu thế của thế giới và là xu thế của hội nhập… cần đề cập rõ với những định hướng cụ thể.


Tại các đoàn ĐBQH TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các ý kiến phát biểu đánh giá các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, có chất lượng cao, đã đánh giá toàn diện ưu điểm, hạn chế tất cả các lĩnh vực. Đề cập cụ thể hơn, ĐB Chu Sơn Hà (Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho rằng, báo cáo chính trị thể hiện khá đầy đủ, toàn diện quan điểm nguyên nhân chủ yếu của mọi vấn đề là con người. Đánh giá này là chính xác và khách quan. Song công tác tổ chức lại chưa được đề cập một cách sâu sắc.

Theo ĐB Chu Sơn Hà, hiện nay công tác tuyển chọn cán bộ mới coi trọng bằng cấp, tức coi trọng hình thức chứ không phải bản chất và năng lực thực sự. Chỉ ra 4 khâu liên quan tới công tác cán bộ là tuyển chọn, giáo dục - đào tạo, sử dụng và giám sát, ĐB Chu Sơn Hà nhấn mạnh phải quan tâm đồng đều cả 4 khâu trên mới có kết quả bền vững. Cũng nhấn mạnh yếu tố con người, ĐB Nguyễn Quốc Bình (Đoàn Hà Nội) cho rằng, chúng ta chưa làm rõ được quan điểm, phương pháp đào tạo phải gắn với thực hành là chính.

Một vấn đề nữa, liên quan đến công tác cán bộ được đề cập là hiện tượng "chảy máu" chất xám. Tại Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh, ĐB Nguyễn Ngọc Hòa phản ánh, 12 em đăng quang tại chương trình Đường lên đỉnh Olympia, được đi học nước ngoài thì tới 11 em chọn ở lại nước ngoài làm việc, chỉ có 1 em trở về Tổ quốc làm việc. Ngoài ra, hằng năm còn hàng nghìn du học sinh chọn làm việc tại nước ngoài thay vì quay về quê hương. "Đây là sự "chảy máu" chất xám và nguồn lực rất lớn của đất nước" - ĐB Nguyễn Ngọc Hòa nói. Bà Hòa kiến nghị phải tổng kết hằng năm xã hội bỏ ra bao nhiêu kinh phí cho du học sinh, từ đó có chính sách phù hợp để thu hút nhân tài phù hợp với diễn biến thực tế từng thời kỳ.

Chú trọng kinh tế tư nhân

Các ý kiến phát biểu góp ý cũng đặc biệt quan tâm đến tình hình kinh tế của đất nước. Theo ĐB Nguyễn Phi Thường (Đoàn Hà Nội), dự thảo văn kiện đã đề cập sâu vai trò của kinh tế tư nhân, coi khối này là một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, không chỉ là một thành phần phát triển kinh tế như trong các văn kiện trước đây. Đây là một quyết định đúng đắn, tạo nền tảng phát triển kinh tế thị trường, huy động mọi nguồn lực của xã hội để phát triển kinh tế. Dẫn chứng cụ thể là, thời gian qua, Nhà nước đã quyết định thoái vốn ở nhiều công ty lớn, làm ăn có lãi như: Vinamilk, FPT…

ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (Đoàn TP Hồ Chí Minh):
Xác định rõ nhân tố mới thúc đẩy quá trình tăng trưởng đất nước 


Đại hội cần chỉ ra đâu là nhân tố mới để thúc đẩy quá trình tăng trưởng đất nước. Theo tôi, có hai nhân tố cần tập trung thúc đẩy là: Hoàn thiện thể chế, có chính sách đưa khoa học công nghệ vào sản xuất. Hai nhân tố này được chú trọng sẽ kích hoạt để tạo ra xung lực mới cho đất nước.

Để giúp khối tư nhân phát triển hơn nữa, theo các ĐB cần cải cách mạnh mẽ nền hành chính công; sớm cụ thể hóa các cơ chế, chính sách để doanh nghiệp tư nhân, trong đó có các doanh nghiệp trẻ thực sự được bảo vệ. Trước hết, cần tiếp tục tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà để doanh nhân trẻ có niềm tin, động lực khởi nghiệp thành công, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào phát triển đất nước. Song song đó, cần tập trung xây dựng đường lối phát triển kinh tế, trong đó liên kết kinh tế vùng là yếu tố cần thiết. Nếu không liên kết vùng thì các doanh nghiệp trong nước sẽ thua ngay trên sân nhà. "Ở nước ngoài, có nhiều dịch vụ làm giúp doanh nghiệp thực hiện các dịch vụ công. Còn ở Việt Nam các doanh nghiệp, đặc biệt là một bộ phận đơn vị tư nhân vẫn phải "luồn lách" để xin giấy phép được làm việc này, việc kia vì thủ tục rườm rà, tốn thời gian. Đây là điểm yếu cần sớm khắc phục" - ĐB Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) đề xuất.

Trong giai đoạn mới, theo ĐB Võ Thị Dung (Đoàn TP Hồ Chí Minh) việc xây dựng hệ thống nhà nước và đặc biệt ban hành chính sách cũng rất quan trọng, bởi mọi chủ trương, quyết sách của Đảng, Nhà nước tác động đến quá trình triển khai, thực hiện. "Chính sách không thuận lòng dân, nói một đằng làm một nẻo thì dân không tin" - bà Dung nói.

Các nhà khoa học, trí thức Thủ đô góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII

(HNM) - Ngày 23-10, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội đã tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến vào Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, trí thức Thủ đô.

Các đại biểu đánh giá cao phần dự thảo đề cập đến các giải pháp quan trọng về giáo dục, đào tạo, KH&CN và đưa ra nhiều ý kiến, tập trung vào các vấn đề như: khắc phục hạn chế để đổi mới mô hình công nghiệp hóa, KH&CN thực sự là quốc sách hàng đầu để phát triển; đổi mới giáo dục Việt Nam dưới góc nhìn khoa học tư duy, khoa học giáo dục, thực tế giáo dục Việt Nam...

Theo các đại biểu, Dự thảo báo cáo cần bổ sung thêm quan điểm đổi mới mô hình công nghiệp hóa hướng ngoại để Đại hội XII trở thành đại hội mở đường cho nhiều khâu đột phá công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong nông nghiệp, nông thôn, đào tạo nguồn nhân lực KH&CN... Các nhà khoa học cũng mong muốn văn kiện làm rõ hơn các vấn đề quan trọng khác như quản lý và phát triển đô thị, chú trọng sự thống nhất giữa các chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng với việc thực hiện trong thực tế. 

Khánh Vũ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trông chờ sự đột phá trong công tác cán bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.