Giáo dục

Tâm huyết đóng góp cho dự thảo Luật Nhà giáo

Mai Hữu, Thống Nhất 09/11/2024 - 21:06

Ngày 9-11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã trình bày báo cáo tóm tắt dự thảo Luật Nhà giáo trước Quốc hội.

Dự thảo nhận được sự đồng tình ủng hộ của dư luận xã hội, những người quan tâm đến giáo dục và cán bộ, giáo viên toàn ngành. Báo Hànộimới ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết đóng góp nhằm hoàn thiện dự thảo với mong muốn sớm đưa các quy định của luật vào thực tiễn.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh): Phân cấp, phân quyền theo cơ chế linh hoạt trong tuyển dụng

tra-vinh.jpg
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh).

Để giải quyết vấn đề thừa và thiếu giáo viên cục bộ, tôi cho rằng dự thảo Luật Nhà giáo cần có các quy định rõ ràng về phân cấp, phân quyền theo cơ chế linh hoạt hơn trong quản lý, tuyển dụng và điều động giáo viên. Việc quản lý nhân sự trong ngành Giáo dục cần có cách tiếp cận khác biệt so với các ngành nghề khác, vì cơ chế quản lý hiện tại chủ yếu dựa trên biên chế nhà nước đã tạo ra sự cứng nhắc trong việc phân bổ và điều chuyển giáo viên​.

Do vậy, cần có cơ chế phân quyền cho Bộ Giáo dục và Đào tạo hay Sở Giáo dục và Đào tạo (trong phạm vi nội tỉnh) được tự chủ hơn, thoả thuận với lãnh đạo các địa phương trong việc điều động và biệt phái giáo viên giữa các khu vực thiếu và thừa giáo viên (tất nhiên là phải bảo đảm công bằng, xem xét yếu tố hoàn cảnh, ưu tiên cho các trường hợp tự nguyện…) nhằm giảm áp lực cho những vùng có nhu cầu cao về giáo viên cho từng cấp học, từng môn học theo từng năm học…

Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm: Phải bảo đảm để đội ngũ nhà giáo sống được bằng lương

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm.

Đây không phải lần đầu tiên chủ trương “tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” được đề cập. Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương cũng đã nêu rõ: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”, tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết, đến nay nội dung này vẫn chưa đi vào cuộc sống.

Trong bối cảnh ngân sách còn hạn chế, cần tính toán cơ chế quản lý giáo dục nhằm phát huy năng lực tự chủ và huy động được nguồn lực đầu tư cho giáo dục; đồng thời cần giải bài toán tiền ít thì tiêu như thế nào cho hiệu quả. Về vấn đề lương nhà giáo, cần bảo đảm để đội ngũ nhà giáo sống được bằng lương, chứ không hẳn là xếp cao ở mức độ nào. Nhà nước phải bảo đảm thu nhập của nhà giáo đủ sống, để họ sống bằng nghề chứ không phải đôn đáo đi dạy thêm.
Hiệu trưởng Trường Mầm non Phú Phương (huyện Ba Vì) Đinh Thị Út
:
Nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn quy định là phù hợp

dinh-thi-ut.jpg
Nhà giáo Đinh Thị Út.

Tôi đồng tình với quy định nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng thì có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi. Đây cũng là nguyện vọng chung của nhiều giáo viên mầm non hiện nay.

Nghề giáo viên có đặc thù riêng, trong đó, cấp học mầm non lại có những đòi hỏi, yêu cầu riêng do nhiệm vụ không chỉ là chăm sóc, nuôi dưỡng mà còn là giáo dục. Ở mỗi độ tuổi, giáo viên có những ưu điểm riêng, trong khi giáo viên trẻ thường nhanh nhẹn, sử dụng thành thạo ứng dụng công nghệ hiện đại thì giáo viên lớn tuổi lại nhiều kinh nghiệm về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Thực tế gắn bó với nghề nhiều năm, tôi nhận thấy, nguyện vọng được nghỉ hưu sớm hơn quy định chung của giáo viên mầm non là phù hợp thực tế. Trong trường hợp giáo viên mầm non còn đủ sức khỏe, có thể đảm đương được công việc và muốn tiếp tục được cống hiến thì vẫn làm việc bình thường.



(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tâm huyết đóng góp cho dự thảo Luật Nhà giáo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.