Giáo dục

Dự thảo Luật Nhà giáo: Kỳ vọng sớm đi vào thực tiễn

Thống Nhất 09/11/2024 16:46

Ngày 9-11, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã trình bày trước Quốc hội nội dung tóm tắt tờ trình dự thảo Luật Nhà giáo.

giao-vien-me-linh.jpg
Các nhà giáo mong muốn Luật Nhà giáo sớm đi vào thực tiễn. Ảnh: Thống Nhất

Với 9 chương, 50 điều, trong đó có nhiều điểm mới quy định về chế độ, chính sách, 1,6 triệu nhà giáo và những người quan tâm đến giáo dục đều mong muốn, kỳ vọng những quy định tại dự thảo sớm đi vào thực tiễn, góp phần thúc đẩy đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Cú hích với nhà giáo ngoài công lập

Dự thảo Luật Nhà giáo trình Quốc hội gồm 9 chương với 50 điều. Dự thảo có 6 điểm mới cơ bản, gồm: Thứ nhất, lần đầu tiên xác lập các quy định đối với nhà giáo ngoài công lập; thứ hai, nhà giáo được chuẩn hóa qua hệ thống chức danh, chuẩn nghề nghiệp; thứ ba, chính sách tuyển dụng, sử dụng gắn với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp; thứ tư, chính sách bảo vệ, thu hút nhà giáo; thứ năm, chính sách tiền lương và đãi ngộ; thứ sáu, quản lý nhà nước về nhà giáo.

Với những điểm mới quan trọng như trên, cũng là lần đầu tiên có một bộ luật dành riêng cho đội ngũ nhà giáo, những ngày qua, khi dự thảo được công bố rộng rãi để lấy ý kiến, dư luận xã hội và cả những người trong ngành Giáo dục đều dành sự quan tâm đặc biệt, đặc biệt là những điểm mới, những quy định lần đầu tiên được xác lập. Mong mỏi chung của dư luận xã hội, cũng là nguyện vọng của 1,6 triệu nhà giáo, là kiến tạo được một số chính sách mới, chính sách đột phá để thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo, giúp nhà giáo yên tâm công tác, cống hiến với nghề bằng sự tâm huyết, trách nhiệm, bớt đi những lo toan về việc mưu sinh để tận tâm cống hiến, gắn bó bền vững với nghề.

Gắn bó với ngành nhiều năm, hiện là cán bộ quản lý của một trường ngoài công lập, nhà giáo Nguyễn Viết Cẩn, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hà Thành (quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ, đây là lần đầu tiên, vị trí pháp lý của nhà giáo ngoài công lập được xác lập đầy đủ, bảo đảm sự thống nhất và công bằng trong quản lý nhà giáo làm việc ở các loại hình trường khác nhau. Những quy định của dự thảo Luật Nhà giáo không chỉ áp dụng với nhà giáo ở các trường công lập mà còn với cả các nhà giáo ngoài công lập. Vì vậy, ông rất kỳ vọng vào những nội dung của dự thảo Luật Nhà giáo sẽ có tác động tích cực, mạnh mẽ đến chất lượng giáo dục toàn diện ở các nhà trường, đặc biệt là tạo cú hích đối với nhà giáo ngoài công lập, từ đó tạo đà cho hệ thống các trường ngoài công lập phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Thực tế hiện nay, Luật Giáo dục không phân biệt nhà giáo công lập hay nhà giáo ngoài công lập nhưng chưa có đầy đủ các quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo. Lần đầu tiên, tại dự thảo Luật Nhà giáo, vị trí pháp lý của nhà giáo ngoài công lập được xác lập đầy đủ, đồng bộ với tư cách là nhà giáo chứ không chỉ là người lao động theo cơ chế hợp đồng lao động tại dự thảo Luật Nhà giáo. Theo ban soạn thảo, điều này nhằm “lấp đầy” khoảng trống về pháp lý đối với nhà giáo ngoài công lập khi Luật Viên chức chỉ chế tài với những người được tuyển dụng và làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập. Khi thực hiện theo Bộ Luật Lao động, nhà giáo ngoài công lập chủ yếu được chế tài với tư cách người lao động.

Giao quyền tuyển dụng có thể hạn chế tình trạng vừa thừa, vừa thiếu

Quy định về tuyển dụng nhà giáo cho ngành Giáo dục là một trong những điểm nhấn đáng chú ý của dự thảo Luật Nhà giáo. Chia sẻ về điều này, nhiều cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn thành phố Hà Nội bày tỏ, nghề giáo có những đặc thù riêng khác với viên chức các ngành, lĩnh vực khác, đòi hỏi yêu cầu nghề nghiệp đáp ứng đặc thù đó. Ngành Giáo dục được sử dụng đội ngũ nhà giáo, chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục, về “sản phẩm” đào tạo ra, nhưng từ trước tới nay lại không có thẩm quyền để quyết định được việc tuyển bao nhiêu biên chế. Trong khâu tuyển dụng giáo viên, mặc dù ngành Giáo dục được tham gia nhưng vai trò và thẩm quyền chưa rõ ràng. Trong khi đó, việc vận hành hoạt động dạy học cũng như chất lượng giáo dục ở các nhà trường trong bối cảnh thực hiện đổi mới giáo dục cần nhiều điều kiện quan trọng như cần đủ số lượng giáo viên, bảo đảm cơ cấu giáo viên theo từng môn học, đủ trường, lớp cho học sinh được học 2 buổi/ngày thuận tiện…

Với quy định về việc giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong việc tuyển dụng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các nhà trường đều bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ và mong muốn nội dung này sớm đi vào thực tế, góp phần giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ hiện nay. Trên cơ sở phát triển về số lượng học sinh, sự phát triển của mạng lưới trường lớp và định mức giáo viên theo quy định, ngành Giáo dục được quyết định về số lượng biên chế tuyển dụng, đồng thời tiếp tục triển khai việc đặt hàng đào tạo đối với các trường sư phạm. Đây là các giải pháp được kỳ vọng sẽ giải quyết căn cơ được tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ hiện nay.

Đồng tình với việc giao quyền tuyển dụng giáo viên cho ngành Giáo dục, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) Lê Việt Dương bày tỏ sự nhất trí cao với quy định về việc đưa thực hành sư phạm là nội dung phải có trong khâu tuyển dụng giáo viên, bao gồm cả tuyển dụng giáo viên trường công lập và trường ngoài công lập. Theo ông Lê Việt Dương, dù phương thức tuyển dụng là xét tuyển hay thi tuyển thì nội dung thực hành sư phạm vẫn cần là yêu cầu bắt buộc, nhằm giúp đơn vị tuyển dụng lựa chọn được đúng người làm nghề dạy học, đồng thời cũng tạo cơ hội để những người có nguyện vọng làm nghề giáo thể hiện năng lực, phát huy sở trường.

Liên quan đến khâu tuyển dụng, các nhà giáo còn mong muốn, để thu hút sinh viên giỏi, ngoài chính sách về tiền lương, cần có thêm các chính sách thu hút sinh viên giỏi, có chế độ đãi ngộ giáo viên, nhất là những người ở vùng sâu, vùng xa…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Luật Nhà giáo: Kỳ vọng sớm đi vào thực tiễn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.