Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trọn nghĩa vẹn tình

Nguyên Hoa| 27/07/2012 06:48

(HNM) - Trải qua hai cuộc chiến tranh, Hà Nội có trên 4 triệu lượt người tham gia cách mạng. TP hiện có 800.000 đối tượng chính sách, trong đó có gần 80.000 liệt sỹ, 30.245 thương binh, 13.000 bệnh binh…

Các nhân viên y tế khám, điều trị cho người cao tuổi tại Trung tâm Nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội. Ảnh: Viết Thành


Để đời sống của thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công của thành phố được nâng lên toàn diện, trong những năm qua, thành phố đã có nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, dự án, việc làm, nghĩa cử cao đẹp với sự tham gia của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân. Thực hiện chủ trương xã hội hóa phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" nhằm chia sẻ những mất mát, đau thương với thương binh và gia đình liệt sỹ, các phong trào "Uống nước nhớ nguồn", tặng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, thăm hỏi, tặng quà, tặng ngày công lao động đã được các quận, huyện triển khai rộng rãi. Những việc làm tình nghĩa đó đã nhận được sự hưởng ứng sôi nổi của các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

Dịp kỷ niệm 27-7 năm nay, toàn thành phố đã có nhiều hoạt động thiết thực, chăm lo tốt hơn cho thương binh, thân nhân liệt sỹ, người có công. Báo cáo của Sở LĐ,TB&XH Hà Nội cho thấy từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã có 634 căn nhà của hộ chính sách được hỗ trợ kinh phí xây mới và nâng cấp; tặng trên 4.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa, mỗi sổ trị giá 1 triệu đồng; tôn tạo 100% nghĩa trang, công trình ghi công liệt sỹ; 99 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được nhận phụng dưỡng với mức tiền 500.000 đồng/tháng. Tính đến thời điểm hiện tại, Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" của thành phố đã thu được gần 30 tỷ đồng... Trong dịp này, thành phố đã dành trên 54 tỷ đồng tặng quà người có công. Bên cạnh việc chăm lo cho các đối tượng chính sách trên địa bàn, thành phố Hà Nội cũng đã trích từ nguồn ngân sách hàng trăm tỷ đồng để xây dựng Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại mặt trận Bắc Kon Tum, Nhà truyền thống tại Côn Đảo và giúp đỡ một số tỉnh, thành chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh xây nhiều công trình trường, lớp học…

Với phương châm phát huy sức mạnh của Nhà nước, nhân dân và toàn xã hội cùng chăm sóc người có công với nước, từ nhiều năm nay Bộ Tư lệnh Thủ đô đã kết hợp tốt với các bệnh viện quân đội trong việc khám bệnh, làm nhà tình nghĩa. Trung bình mỗi năm, toàn thành phố có 30.000 đối tượng chính sách được khám bệnh, tư vấn và cấp thuốc miễn phí. Song song với những phần việc trên các ngành chức năng của thành phố còn tập trung vào giải quyết chính sách tồn đọng sau chiến tranh; việc bảo đảm các chế độ thăm hỏi, tặng quà, nghỉ dưỡng, nhất là giải quyết chế độ chính sách cho đối tượng cũng là việc làm được thành phố rất quan tâm. Trong khi cả nước quy định  5 năm điều dưỡng luân phiên một lần đối với các đối tượng chính sách thì tại Hà Nội quy định thời hạn này là 2 năm một lần. Từ đầu năm đến nay đã có 11.000 người có công được đi điều dưỡng luân phiên. Ngoài ra, những năm gần đây chế độ, chính sách của Nhà nước có nhiều thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế và tiến gần hơn đến đối tượng người có công. Bởi vậy, việc giải quyết chế độ, chính sách bảo đảm đúng đối tượng, đúng chính sách và kịp thời đang đặt ra cho những người làm công tác chuyên môn nhiệm vụ rất nặng nề. Là địa phương được chọn làm điểm cả nước trong việc thực hiện Quyết định 142 của Chính phủ trong việc giải quyết chế độ, chính sách cho đối tượng nhập ngũ trước 30-4 và tham gia quân đội dưới 20 năm công tác, Hà Nội đã thực hiện một cách bài bản và hoàn thành cả ba bước chi trả cho khoảng 100.000 đối tượng. Hay như việc giải quyết chế độ 290 trợ cấp cho dân quân, du kích tham gia kháng chiến chống Mỹ, với cách làm bài bản, tận tụy, thành phố đã có trên 10.000 cựu quân nhân, du kích được hưởng chế độ… Với sự tham gia đồng bộ của các ngành chức năng, tính đến thời điểm hiện tại thành phố đã cơ bản giải quyết xong các chính sách tồn đọng sau chiến tranh. 99,67% gia đình người có công ở Hà Nội có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú, được Trung ương đánh giá là địa phương đi đầu trong cả nước về công tác chăm sóc người có công.

Quan tâm đến người có công, gia đình chính sách là cách để tri ân với những người đã ngã xuống, giúp thân nhân họ vơi bớt nỗi đau sau chiến tranh. Đây cũng là cách để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ thực hiện tốt đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của cha anh đi trước. Thành phố Hà Nội đã và đang tri ân với các thế hệ đi trước bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như thế…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trọn nghĩa vẹn tình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.