Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trở ngại lớn thời hậu Brexit

Minh Hiếu| 25/02/2018 08:03

(HNM) - Hội nghị Thượng đỉnh không chính thức Liên minh Châu Âu (EU) vừa diễn ra tại thủ đô Brussels (Bỉ), với trọng tâm là các chính sách định hình tương lai của khối, đặc biệt trong bối cảnh tiến trình Anh rời khỏi EU (Brexit) sẽ hoàn tất vào đầu năm 2019.


Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, các cuộc thảo luận về ngân sách tương lai có thể mở đường cho những thay đổi đáng kể trong chính sách và cũng là dịp đánh giá tổng thể tình hình tài chính của EU. Anh hiện là nước có đóng góp nhiều thứ hai cho ngân sách chung của liên minh, chỉ sau Đức. Sự ra đi của xứ sở Sương mù sẽ khiến khối này thâm hụt khoảng 10-12 tỷ euro mỗi năm.

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã kêu gọi mở rộng ngân sách chung của khối để tăng cường chi tiêu cho quốc phòng, an ninh và kiểm soát nhập cư hậu Brexit. Chủ tịch EC J.Juncker kỳ vọng, ngân sách thời gian tới của EU cần lớn hơn 1% GDP hiện tại của liên minh, bất chấp việc một trong những “nhà tài trợ” lớn nhất là Anh sẽ rời mái nhà chung vào tháng 3-2019 và cam kết đóng góp đến hết năm 2020.

Chủ tịch EC cho biết, 15 quốc gia đã đồng ý tăng nguồn đóng góp tài chính chung, đồng nghĩa với việc vẫn còn gần một nửa số thành viên chưa đưa ra quyết định hoặc phản đối. Các nền kinh tế chủ chốt như Đức, Tây Ban Nha và Pháp đều sẵn sàng đóng góp nhiều hơn, mặc dù có kèm theo các điều kiện.

Tổng thống Emmanuel Macron cho biết, Pháp sẵn sàng và có đủ điều kiện để mở rộng các khoản ngân sách dành cho EU. Ông chủ Điện Elysee cũng là nhà lãnh đạo đi đầu trong đề xuất cải tổ đầy tham vọng và toàn diện đối với EU vào thập kỷ tới. Trong khi đó, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển và Áo là những quốc gia thể hiện quan điểm phản đối, bởi đây đều là những thành viên có “đóng góp ròng”, với nguồn tiền bỏ ra nhiều hơn những gì họ thu lại.

Với những khoản đóng góp thường niên của các quốc gia thành viên chiếm khoảng 80% ngân sách của EU, việc tăng nghĩa vụ đóng góp tài chính trong liên minh là vấn đề nhạy cảm cả về mặt chính trị lẫn kinh tế. Dù chỉ đạt 1% GDP của EU, ngân sách 140 tỷ euro mỗi năm giúp khối này cung cấp nguồn vốn cho nông dân, các khu vực kém phát triển hơn và tài trợ cho các nghiên cứu trên mọi lĩnh vực, từ công nghệ đến năng lượng. Các nhà lãnh đạo Châu Âu từng khẳng định điều này khi thông qua kế hoạch chi tiêu EU giai đoạn 2014-2020, đánh dấu lần đầu tiên ngân sách hằng năm của khối bị sụt giảm.

Trong bối cảnh đó đã xuất hiện nhiều lời kêu gọi EU cắt giảm chính sách trợ cấp nông nghiệp và phát triển khu vực, còn được gọi là “viện trợ gắn kết”, vốn chiếm khoảng 70% chi tiêu của khối, để từ đó tăng nguồn tiền dành cho an ninh trước các mối lo về khủng bố, người tị nạn và sự can thiệp từ bên ngoài ngày càng gia tăng.

Sau sự ra đi của Anh, ngân sách chung nếu không được tính toán hợp lý sẽ khiến các nước còn lại buộc phải gác lại những kế hoạch cải cách đầy tham vọng và thắt chặt chi tiêu để dồn nguồn lực cho các chương trình mang tính cấp bách. “Lỗ hổng” tài chính này cũng đang gây ra nhiều bất đồng giữa các nước Tây Âu không muốn bù đắp cho khoản thiếu hụt ngân sách và các nước Đông Âu đang lo ngại sẽ chịu sự cắt giảm trợ cấp từ EU.

Ngân sách 7 năm hiện tại của EU sẽ kết thúc vào năm 2020, do đó các nhà lãnh đạo liên minh không còn quá nhiều thời gian để đàm phán thống nhất một kế hoạch chi tiêu mới cho giai đoạn 2021-2027. Các chuyên gia khẳng định, đây chính là một trong những yếu tố mang tính quyết định giúp EU đứng vững và vượt qua thời gian khó khăn hậu Brexit.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trở ngại lớn thời hậu Brexit

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.