(HNM) - Sau những đợt phong tỏa kéo dài cùng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, hy vọng về việc đưa cuộc sống trở lại bình thường đang dần mở ra với nhiều quốc gia châu Á nhờ nỗ lực tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19. Đây là kết quả của việc triển khai mạnh mẽ chiến dịch tiêm chủng, đặc biệt là thành công trong việc đẩy lùi tâm lý e ngại cũng như những ngờ vực về tính hiệu quả của vắc xin.
Trang Asia Financial dẫn đánh giá của Ngân hàng Đầu tư Morgan Stanley có trụ sở tại Mỹ cho biết, châu Á đã sẵn sàng để thoát khỏi đà tăng trưởng chậm trong những quý vừa qua và hướng tới phục hồi kinh tế vào đầu năm tới. Nhận định lạc quan này dựa trên nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách ở châu Á trong việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, giúp khu vực này chuyển từ các biện pháp phong tỏa sang sống chung an toàn với đại dịch vào cuối năm. Ông Chetan Ahya, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á của Morgan Stanley kỳ vọng, sự phục hồi trên diện rộng sẽ được duy trì bắt đầu từ năm tới, khi các quốc gia châu Á tăng tốc độ tiêm chủng vào quý IV-2021 và bắt đầu hướng tới việc mở cửa trở lại hoàn toàn để đẩy nhanh đà tăng trưởng.
Theo tờ The New York Times, Hàn Quốc cùng Nhật Bản và Malaysia thậm chí đã vượt qua Mỹ về số liều vắc xin được tiêm trung bình trên 100 người, một kết quả khó có thể hình dung vào thời điểm đầu năm 2021. Các quốc gia khác cũng đang trên đà thực hiện mục tiêu tiêm chủng nhằm hạn chế ảnh hưởng của biến chủng Delta. Tại Đông Nam Á, việc triển khai chiến dịch tiêm vắc xin tuy còn chưa đồng đều, song những thay đổi tích cực đang diễn ra, mang lại kết quả ấn tượng.
Tiến sĩ Reuben Ng của Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore - người đã có kinh nghiệm nghiên cứu trào lưu "anti vắc xin" (tình trạng phản đối hoặc do dự tiêm vắc xin) trên toàn cầu, cho rằng, trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra, ở châu Á tồn tại sự hoài nghi khi tiêm vắc xin vì lý do an toàn. Song những phân tích của ông cho thấy, khu vực này hiện có quan điểm khá tích cực về vắc xin phòng Covid-19 và coi đây là một cách tiếp cận để thoát khỏi đại dịch. Hồi trung tuần tháng 9 vừa qua, những người trẻ tuổi tại Nhật Bản đã xếp hàng dài từ sáng sớm để chờ được tiêm vắc xin tại một trung tâm tiêm chủng ở Tokyo. Còn tại Hàn Quốc, khi nhà chức trách triển khai việc tiêm chủng cho những người ở độ tuổi 50, khoảng 10 triệu người đã đồng thời đăng nhập vào trang web của chính phủ để đăng ký.
Bên cạnh đó, nhiều biện pháp cũng được các quốc gia châu Á đưa ra để khuyến khích người dân và tăng tỷ lệ tiêm chủng. Nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Reuben Ng phát hiện ra rằng, những người cao tuổi sống một mình tại Singapore thường lo lắng về việc gặp phải những tác dụng phụ khi tiêm vắc xin mà không có ai trông nom. Các tình nguyện viên đã thuyết phục, hứa sẽ thường xuyên hỗ trợ sau khi họ tiêm chủng và biện pháp này được đánh giá là có hiệu quả. Theo Reuters, bất chấp địa hình phức tạp, bang Himachal Pradesh ở miền Bắc đã trở thành nơi đầu tiên tại Ấn Độ tiêm ít nhất 1 liều vắc xin phòng Covid-19 cho tất cả người trưởng thành. Để đạt được kết quả này, các nhân viên y tế đã phải đi bộ nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày mới đến được các ngôi làng hẻo lánh.
Có thể khẳng định, tiêm đại trà vắc xin đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu để tạo thành "tấm lá chắn" trước đại dịch Covid-19, mang lại triển vọng tươi sáng hơn cho châu Á thời gian tới. Trong nỗ lực tăng tốc để đạt mục tiêu tiêm chủng, chìa khóa thành công chính là sự ủng hộ của người dân cùng những quyết sách kịp thời của các quốc gia trước những diễn biến dịch bệnh vốn vẫn rất khó lường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.