(HNM) - Câu chuyện về những nghịch lý trong việc "tinh giản biên chế" không mới. Việc "thắt" chỗ nọ nhưng lại "phình" chỗ kia cũng không mới. Thế nhưng, những thông tin mới đây về số lượng "cán bộ" hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước ở tỉnh Quảng Ninh đã khiến không ít người giật mình. Một lần nữa gánh nặng ngân sách lại trở thành vấn đề "nóng".
Phường Hồng Hải (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) có tới 475 "công bộc" hưởng lương từ ngân sách, trong đó có 23 biên chế chuyên trách, còn lại là khu trưởng, bí thư chi bộ khu, tổ trưởng dân phố, trưởng ban công tác mặt trận, dân quân tự vệ... với mức hưởng hệ số từ 0,2 đến 1,0/tháng và mỗi năm phường Hồng Hải phải chi tới 2,5 tỷ đồng cho quỹ lương. Thế nhưng đây chưa phải đơn vị hành chính có số "công bộc" lớn nhất tỉnh Quảng Ninh. Thị trấn Mạo Khê (huyện Đông Triều) có tới 639 "công bộc" và theo tính toán, mỗi năm ngân sách phải chi khoảng 5,5 tỷ đồng cho số "cán bộ" này...
Đấy là một trong nhiều câu chuyện về bộ máy hành chính cơ sở ở địa phương mà các phương tiện thông tin đại chúng đã loan tải. Còn bộ máy quản lý nhà nước cấp trung ương thì sao?
Tại kỳ họp Quốc hội mới đây, vấn đề biên chế trong các cơ quan quản lý nhà nước ngày càng "phình" to cũng đã được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập. Cụ thể, đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, cả nước có 22 tổng cục và các đơn vị tương đương thì đến cuối nhiệm kỳ con số này đã lên tới 42. Số cục và đơn vị tương đương đầu nhiệm kỳ là 82, cuối nhiệm kỳ là 110. Số cơ quan quản lý nhà nước "phình" to, đương nhiên số lượng biên chế cũng "phình" theo. Một số liệu thống kê của Bộ Nội vụ cho biết, từ năm 2007 đến năm 2012, đội ngũ công chức tăng hơn 15%.
Có rất nhiều lý do khác nhau dẫn đến việc gia tăng đội ngũ hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách. Theo các nhà quản lý, biên chế "phình" to là do nhu cầu phát triển, các ngành, lĩnh vực có thêm các đơn vị mới hoặc đơn vị cũ được bổ sung thêm chức năng, cần có bộ máy chuyên sâu để thực hiện nhiệm vụ, hay do nhu cầu công tác thực tế ở các địa phương... Tóm lại là do nhu cầu công việc. Thế nhưng, bộ máy phình to đến đâu sẽ phải tăng thêm chi tiêu từ ngân sách đến đấy. Liệu ngân sách nhà nước có đủ sức gánh nổi bộ máy này không? Trong bối cảnh chi tiêu thường xuyên đã chiếm tới 70% tổng chi ngân sách thì đây quả là vấn đề. Và có một điều chắc chắn rằng, nếu đội ngũ "công bộc" tiếp tục "phình" thì "không ngân sách nào chịu nổi".
Có lẽ đã đến lúc phải đưa ra những giải pháp quyết liệt hơn để giải quyết tình trạng bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả, gây lãng phí lớn, là gánh nặng của ngân sách. Và có lẽ, một trong những giải pháp cần được nghiên cứu triển khai, đặc biệt trong bối cảnh phải tiết kiệm chi tiêu thường xuyên là khoán lương theo vị trí công việc, bởi làm vậy vừa có thể tiết kiệm chi phí từ ngân sách cho bộ máy "công bộc", vừa có điều kiện cải cách tiền lương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.