Ngày 13-12, Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dừa” tại tỉnh Bến Tre. Với hơn 100 đại biểu dự trực tiếp và 200 điểm cầu dự trực tuyến, diễn đàn kỳ vọng thúc đẩy kết nối giữa các bên trong chuỗi giá trị ngành dừa.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Thị Thanh Thủy cho biết, dừa là 1 trong 6 cây công nghiệp chủ lực theo Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030. Hiện dừa Việt Nam đang trở thành mặt hàng xuất khẩu với giá trị cao. Các sản phẩm chế biến từ dừa đang có tiềm năng lớn để gia tăng giá trị của cây dừa, tăng thu nhập cho người dân. Qua thống kê cho thấy, 30% diện tích dừa đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và 30% được cấp mã số vùng trồng. Từ con số khiêm tốn, 180 triệu USD kim ngạch xuất khẩu năm 2010, ngành dừa phát triển mạnh mẽ, đạt hơn 900 triệu USD vào năm 2023 và kỳ vọng vượt mốc 1 tỷ USD trong năm 2024.
Ngành Nông nghiệp phấn đấu đến năm 2030, diện tích dừa trên toàn quốc đạt hơn 200.000ha. Để đạt được mục tiêu này, Bộ NN&PTNT đã làm việc, ký kết hiệp định thương mại, mở cửa thị trường xuất khẩu dừa chính ngạch với Trung Quốc. Đầu tư phát triển công tác nghiên cứu giống, quy trình canh tác, như phối hợp với Trường Đại học Trà Vinh nghiên cứu lai tạo giống dừa để tạo thuận lợi cho ngành dừa phát triển. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn cũng đầu tư mạnh mẽ vào cây dừa, phát triển quy trình canh tác, công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng và thương hiệu dừa Việt Nam và từng bước biến những khu vực có thế mạnh trồng dừa thành khu vực du lịch sinh thái để nâng cao giá trị gia tăng.
Tại diễn đàn, các đại biểu cho rằng, từ khi Bộ NN&PTNT đưa dừa vào danh mục các cây công nghiệp chủ lực, đã giúp ngành hàng dừa có sự thay đổi rõ nét. Tuy nhiên, khi các hiệp định thương mại được ký kết, thuế suất xuất khẩu dừa giảm xuống còn 0%, vừa là điều kiện thuận lợi, vừa là thách thức, nếu không có chiến lược cụ thể. Hiện Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã ban hành nhiều chính sách phát triển ngành dừa, các địa phương cần hỗ trợ hoạt động sản xuất của người dân. Về phía các doanh nghiệp Việt, trong nước đã có nguồn nguyên liệu chất lượng cao, thì phải có chiến lược nâng giá bán sản phẩm ở các thị trường, để lấy phần gia tăng đó quay trở lại hỗ trợ giá mua cho người dân, thay vì tìm cách thu mua nguyên liệu giá rẻ và bán giá rẻ như hiện tại. Ngoài ra, Việt Nam đang tham gia sâu rộng vào các hiệp định thương mại tự do FTA thế hệ mới, nên để thúc đẩy xuất khẩu ngành hàng dừa, phải cạnh tranh bằng chất lượng, chứ không còn là hạ giá.
Bên cạnh đó, để minh bạch thông tin và phát triển bền vững ngành dừa Việt Nam, các doanh nghiệp cần bảo đảm việc tuân thủ các yêu cầu của nước nhập khẩu và việc đăng ký mã số thực hiện trên cơ sở tự nguyện. Các ngành chức năng kiểm tra và đánh giá là căn cứ để cấp, duy trì hoặc phục hồi mã số và mã số phải được công nhận bởi nước nhập khẩu và giám sát bởi cơ quan quản lý…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.