Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trăn trở nhập cuộc và sáng tạo

Mai Hoa| 02/10/2016 06:50

(HNM) - Những người viết văn trẻ luôn thể hiện sự trăn trở về trách nhiệm nhập cuộc, sáng tạo để làm nên những tác phẩm hay, giàu giá trị tư tưởng và nghệ thuật. Phía sau những tác phẩm là ý thức trách nhiệm đồng hành cùng sự phát triển của đất nước.

Các nhà văn trẻ phải dấn thân, sáng tạo hơn nữa đế đáp ứng nhu cầu của độc giả.Ảnh: Khánh Huy


Không xa lánh thời cuộc

Khái quát về văn học trẻ, nhà văn Nguyễn Bình Phương - Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam - Trưởng ban Nhà văn trẻ nhận định: “Sống động, phong phú, đó là ấn tượng đầu tiên mà văn trẻ mang đến trong thời gian qua. Văn đàn tồn tại cùng lúc bao nhiêu xu hướng, bao nhiêu quan niệm về nghệ thuật văn chương. Kèm theo đó là sự đa dạng về phong cách, về thể loại cũng như chủ đề. Nhìn kỹ hơn, sâu hơn, có thể thấy trong văn trẻ có cảm thức về thời đại, mỹ cảm hiện đại và những quan niệm hoàn toàn mới về chức năng, giá trị của văn học. Những điều đáng kể ấy có được là nhờ vào quá trình lao động không mệt mỏi của các nhà văn”.

Một đặc điểm sáng tác rất cần được nhắc tới là thái độ nhập cuộc với ý thức trách nhiệm của người viết trẻ với "thời tiết" chính trị và xã hội. Nhà văn trẻ có mặt trong tất cả những sự kiện, những biến động của đất nước. Cùng với lớp nhà văn cao tuổi, văn trẻ tham gia khám phá, tìm tòi các vấn đề xã hội ở nhiều khía cạnh khác nhau, có những lý giải, cắt nghĩa theo cách riêng đầy sức thuyết phục. Nhiều nhà văn trẻ đã có mặt ở Trường Sa, lặn lội ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn biên viễn để chứng kiến, trải nghiệm và phản ánh hiện thực. Một số lượng dồi dào các tác phẩm đã ra đời, được độc giả mọi tầng lớp đón nhận và có tác động không nhỏ tới đời sống tinh thần của xã hội.

Khẳng định quan điểm “không thể xa lánh thời cuộc”, cây viết trẻ Nguyễn Văn Học chia sẻ: “Nhiều lúc tôi tự hỏi, thế hệ mình, những người cầm bút trẻ đã làm được gì để góp phần tạo ra các giá trị? Nhiều lúc tôi tự thấy xấu hổ vì đã chưa thật sự dấn thân trong sáng tạo, để cùng với các cây bút trẻ khác cất lên tiếng nói của một thế hệ, những người cầm bút trẻ đang hưởng nền hòa bình từ bao quặn thắt đau thương, hy sinh xương máu của bao thế hệ cha ông đi trước để làm nên đất nước Việt Nam như hôm nay”. Trăn trở là thế, nhưng sẵn sàng nhập cuộc với một tâm thế hồn hậu, trung thực, Nguyễn Văn Học thẳng thắn bày tỏ: “Nhiều cây bút trẻ, ngay như bản thân tôi, có xuất phát điểm thấp, vừa phải vật lộn mưu sinh, vừa sáng tác. Nhưng chúng ta sáng tạo với tư cách là những người yêu nước, dám lên tiếng với sự bất công, xảo trá, bất trắc bằng tiếng nói văn học. Chúng ta đứng về phía sự thật, phía cái đẹp và giản dị. Chúng ta cùng lên tiếng vì những giá trị cao đẹp của văn chương”.

Miệt mài “đi - học - đọc - viết”


Phải đổi mới, sáng tạo, cách tân thế nào cho đúng, đủ và phù hợp nhằm thể hiện vai trò và sự đóng góp của lực lượng nhà văn, nhà thơ trẻ trong tiến trình phát triển văn học cũng như xã hội? Nhà văn trẻ Lê Vũ Trường Giang (Thừa Thiên - Huế) cho rằng: “Kim chỉ nam của sự sáng tạo được gói trong bốn chữ: Đi - học - đọc - viết. Đi khắp nơi, tới nơi mình thích. Đi lúc nào có thể đi. Học những gì có thể học, bất kỳ lĩnh vực nào, học các bạn trẻ, những nhà văn lớn, học những ai có thể học. Đọc gần đọc xa, đông tây kim cổ, trong nước, nước ngoài, văn học, ngoài văn học, đọc để mở rộng kiến văn. Và, cuối cùng mới là sự viết khi sự hoài thai đã đến độ viên mãn sau những hành trình trên”.

"Đi - học - đọc - viết" là "kim chỉ nam" và cũng là phương pháp trau dồi vốn sống, tri thức - hai yếu tố cần có, cùng với năng lực sáng tạo và trí tưởng tượng, để một nhà văn trẻ có được tác phẩm có giá trị. Đó là điều cần thiết đối với mỗi nhà văn - như một nhà văn trẻ nói là những người đang cùng gánh trên vai sứ mệnh xây dựng nền văn học với ý nghĩa là tấm gương phản ánh đời sống tinh thần của xã hội quốc gia qua từng thời kỳ, một "lịch sử khác", nguồn tư liệu đáng tin cậy để các thế hệ sau nhìn nhận về thời đại trước.

"Đi - học - đọc - viết", quá trình sáng tạo của những người viết văn trẻ gắn liền với hành trình đi tìm cái mới. Đó có thể là cái mới của ngôn ngữ, nhịp điệu, cách nhìn, cấu trúc, biểu cảm, hình thức. Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: Cái mới thực sự, và đáng đi tìm nhất là cái mới của tư tưởng. Một tác phẩm chất lượng cao hay thấp, chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp, quan trọng nhất là ở tính tư tưởng. Muốn nâng cao tính tư tưởng của tác phẩm, nhà văn phải có lý tưởng và khát vọng... Chuẩn bị về vốn sống, vốn văn hóa, và với ngọn lửa khát vọng không bao giờ nguội lạnh, đó là bí quyết giúp cho một nhà văn có thể đi được lâu trên hành trình vô cùng nhọc nhằn của công việc sáng tạo.

Suy cho cùng, tâm thế nhập cuộc chính là sống hết mình với đời sống, tham gia vào mọi sự kiện của đời sống bằng trải nghiệm và cảm xúc của nhà văn; còn quá trình sáng tạo chính là quá trình học hỏi, dấn thân và trải nghiệm, để mỗi nhà văn đồng thời là một trí thức độc lập, có bản lĩnh, có chính kiến, sáng tác nên các tác phẩm có giá trị thúc đẩy xã hội phát triển theo chiều hướng văn minh, dân chủ, nhân ái. Qua sự trăn trở của những người viết văn trẻ hôm nay, các thế hệ lớn tuổi có thể phần nào yên tâm hơn về nguồn bổ sung cho văn học nước nhà - một “đội quân hùng hậu”, đủ sức gánh vác trách nhiệm đồng hành cùng đất nước.

Có thể tin vào điều đó, bởi, như nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm nhận xét: Các tác giả trẻ không chỉ có ưu thế hơn thế hệ cha anh về điều kiện học hành, mà còn được sống đầy đủ trong không gian công nghệ của thế kỷ XXI, nơi mà internet cùng các thiết bị kỹ thuật số đã làm thay đổi đời sống con người, thay đổi phương thức viết, thay đổi thói quen đọc. Nhưng, quan trọng hơn hết, các tác giả trẻ dần tiến đến mô hình công dân toàn cầu. Kỹ năng sử dụng internet, vốn ngoại ngữ, những trải nghiệm văn hóa, lịch sử, tri thức liên, xuyên không gian, thời gian, biên giới… đã tạo những tiền đề hết sức quan trọng để thế hệ trẻ có thể tiến xa hơn trên con đường sáng tác văn chương. Mặt khác, bối cảnh đất nước cũng đang từng ngày đổi mới, tạo nên những cơ hội rộng mở cho người sáng tác.

Dịch giả, nhà nghiên cứu Phạm Phương Chi: Chúng ta đang có một dàn những người viết trẻ rất yêu nghề. Dù văn chương không mang lại nhiều quyền lợi vật chất, nhưng các bạn yêu, say và theo đuổi nghiệp này với một sự hồn nhiên trong sáng, và luôn viết với tâm thế gắn với trách nhiệm xã hội. Đó thực sự là điều đáng quý! 

Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa (Ninh Thuận): Mỗi người viết đều có “khu vực” của mình để thỏa sức sáng tạo. “Kích thước” của nhà văn chính là “kích thước” của tưởng tượng. Tài năng trời cho của mỗi người viết làm nên cá tính cho tác phẩm, còn bối cảnh xã hội chính là nền tảng cho sức sáng tạo, sức tưởng tượng. Và phải có tình yêu, vì đã yêu thì sẽ đam mê, viết về nó như một nhu cầu tự thân!
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trăn trở nhập cuộc và sáng tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.