(HNM) - Dù vẫn chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nhưng các làng nghề đã được UBND TP Hà Nội công nhận vẫn duy trì sản xuất, tạo việc làm và thu nhập cho lao động, đóng góp cho phát triển kinh tế địa phương.
Trong ngày xuân ấm áp, có dịp đến với các làng nghề gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, sơn mài Hạ Thái, điêu khắc gỗ Sơn Đồng, chạm khắc gỗ Thiết Úng - Vân Hà, mộc nội thất Hữu Bằng và Chàng Sơn, dệt may, sản xuất bánh kẹo La Phù… mới cảm nhận hết được sự sôi động ở những nơi này. Theo Sở Công thương Hà Nội, thu nhập bình quân của mỗi lao động ở các làng nghề được công nhận phổ biến ở mức 30-35 triệu đồng/năm. Đặc biệt, một số làng nghề thuộc các huyện: Gia Lâm, Hoài Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai, Thanh Trì, Đan Phượng, Hà Đông... đạt trên 40 triệu đồng/người/năm. Năm 2014, giá trị sản xuất của làng nghề đạt gần 15.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hồng Kiên, Chủ tịch UBND xã Liên Hà, huyện Đan Phượng cho biết, nghề mộc tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 90% lao động địa phương và khoảng 500 lao động ở các xã lân cận đến làm thuê. Nhờ có nghề và thu nhập cao từ nghề mà nhà ở của các gia đình được xây dựng khang trang, mua sắm nhiều ô tô, xe máy. Gần đây, địa phương phát động phong trào xây dựng nông thôn mới, người dân đã ủng hộ hàng tỷ đồng xây dựng đường giao thông ngõ xóm, kè bờ ao, xây dựng cổng làng… Diện mạo nông thôn của xã nhờ đó đẹp lên rất nhiều.
Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Đào Thu Vịnh cho biết, hiện thành phố đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, tiếp sức cho các làng nghề với kinh phí hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Điển hình như chính sách khuyến công, tập trung vào hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới trang thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất, dạy nghề cho lao động nông thôn; chính sách về khoa học - công nghệ (riêng năm 2014 đã hỗ trợ cho 5 làng nghề đăng ký nhãn hiệu tập thể với tổng kinh phí lên tới 8,5 tỷ đồng). Đối với chính sách về đầu tư tín dụng, ngoài hỗ trợ cho vay phát triển nghề và làng nghề trên địa bàn, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hà Nội chỉ đạo và giám sát đối với các tổ chức tín dụng trong việc thực hiện quy định về lãi suất. Năm 2014, lãi suất cho vay giảm xuống còn 8%/năm, đã có hàng nghìn lượt hộ được vay vốn, dư nợ cho vay phát triển không ngừng tăng trưởng và nhu cầu vốn cho các cơ sở sản xuất cơ bản được đáp ứng, giúp các cơ sở có vốn sản xuất, kinh doanh…
Mặc dù đã từng bước gỡ được khó khăn trong bối cảnh suy thoái kinh tế, nhưng các làng nghề Hà Nội vẫn đối mặt với không ít thách thức. Trước thềm năm mới, người dân mong thành phố và chính quyền cơ sở tiếp tục quan tâm để sự phát triển của các làng nghề thực sự bền vững. Hiện tại, hầu hết các cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư nên việc thu gom và xử lý chất thải rất khó khăn. Hơn nữa, chưa có cán bộ chuyên môn về môi trường tại cơ sở nên việc quản lý, bảo vệ môi trường hạn chế, ý thức bảo vệ môi trường của người dân và các cơ sở sản xuất tại làng nghề còn kém. Mặt khác, hệ thống thoát nước chưa được đầu tư đồng bộ, nước thải sản xuất được thải chung với nước thải sinh hoạt, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Do đặc trưng của các làng nghề là xưởng sản xuất đặt tại gia đình và tận dụng diện tích sản xuất là không gian sinh hoạt nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh không cao. Hiện diện tích đất dành cho sản xuất của các làng nghề bình quân mới đáp ứng được 25 - 30%. Vì vậy, nhu cầu về mặt bằng để mở rộng sản xuất tại làng nghề là rất lớn. Điển hình là làng nghề gốm sứ Bát Tràng, nhu cầu về mặt bằng sản xuất của mỗi hộ là 500m2 và mỗi doanh nghiệp thuộc làng nghề là 2.000m2, nhưng hiện mới chỉ có khoảng 200m2/hộ và 500 - 700m2/ doanh nghiệp. Các làng nghề gỗ Liên Hà, Vân Hà nhu cầu diện tích mặt bằng cũng rất lớn, đòi hỏi diện tích gấp 3 lần hiện tại… Việc tiếp cận vay vốn của các tổ chức tín dụng còn hạn chế do mô hình sản xuất tại làng nghề là các hộ gia đình, chưa đăng ký kinh doanh theo quy định. Trong khi đó, hầu hết các làng nghề đều chưa có hệ thống hạ tầng đạt yêu cầu. Đặc biệt, các làng nghề phía Đông đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, do quy chế đường cao tốc và quy định về tải trọng nên xe tải lớn, xe container không vào vận chuyển hàng hóa được, các cơ sở phải trung chuyển hàng hóa bằng xe tải nhỏ đến địa điểm đóng container, vừa làm tăng chi phí vận chuyển, vừa ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa… Đó là những rào cản cho phát triển làng nghề cần tiếp tục được tháo gỡ trong năm mới.
Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, thu hút gần 750.000 người tham gia sản xuất, với hơn 175.000 hộ gia đình, 2.063 công ty cổ phần, 4.562 công ty TNHH, 1.466 doanh nghiệp tư nhân, 164 HTX và 50 hội, hiệp hội. Trong đó số lao động tại 286 làng nghề được công nhận là gần 465.000 lao động, chiếm 79% tổng số lao động trong các làng nghề, với hơn 142.000 hộ sản xuất. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.