(HNM) - Dự án xây dựng Trạm Y tế Trần Phú B (huyện Chương Mỹ) đã hoàn thành từ năm 2014 và bàn giao cho địa phương quản lý, thế nhưng đến nay vẫn bỏ hoang, một số hạng mục xuống cấp, gây lãng phí.
Trần Phú là xã thuộc vùng bán sơn địa của huyện Chương Mỹ gồm 13 thôn, phân bố thành 2 khu vực: Khu vực trung tâm xã gồm 8 thôn; khu vực dọc đường Hồ Chí Minh có 5 thôn, trong đó thôn Đồng Ké chủ yếu là người dân tộc Mường sinh sống. Khoảng cách từ thôn xa nhất đến Trạm Y tế xã là 13km, do vậy khi người dân sinh sống tại các thôn dọc đường Hồ Chí Minh bị ốm đau, sinh đẻ, tai nạn… thì việc di chuyển vào Trạm Y tế trung tâm xã để khám, sơ cứu ban đầu rất xa.
Trước thực tế đó, năm 2008, UBND huyện Chương Mỹ đã phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật Dự án Trạm Y tế Trần Phú B với hạng mục nhà khám và điều trị 2 tầng với 12 phòng, diện tích 1.000m2 để phục vụ việc khám, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân 5 thôn nằm dọc đường Hồ Chí Minh (địa điểm đặt tại thôn Đồng Ké) với tổng kinh phí gần 4 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn. Tháng 9-2014, công trình đã hoàn thành việc xây lắp và bàn giao cho UBND xã Trần Phú quản lý, nhưng từ đó đến nay chưa đưa vào sử dụng.
Ghi nhận của phóng viên tại Trạm Y tế Trần Phú B cho thấy, công trình được xây dựng rất khang trang, rộng rãi. Ngoài tòa nhà chính 2 tầng, 12 phòng khám và chữa bệnh, các hạng mục như nhà để xe, bể nước, nhà vệ sinh, sân cũng được xây dựng gọn gàng, đúng thiết kế.
Song, do lâu ngày chưa được đưa vào sử dụng, đến nay một số hạng mục đã xuống cấp, cửa kính bị vỡ, chân tường bong tróc, hệ thống đường ống thoát nước bị tắc. Tại một số phòng khám chữa bệnh, giường bệnh và các trang thiết bị y tế xếp ngổn ngang, bụi bẩn…
Lý giải vì sao từ khi bàn giao đến nay, công trình Trạm Y tế Trần Phú B chưa được đưa vào sử dụng, ông Đinh Văn Nhức, Phó Chủ tịch UBND xã Trần Phú cho biết, nguyên nhân chính là do Trạm Y tế trung tâm xã chưa bố trí được nhân lực.
Theo quy định của Sở Y tế, xã Trần Phú được 7 cán bộ chuyên môn về y tế. Nhưng hiện nay, tại Trạm Y tế trung tâm xã có 6 cán bộ chuyên môn (1 bác sĩ, 2 y sĩ đa khoa, 1 y sĩ y học cổ truyền, 1 hộ sinh và 1 điều dưỡng viên), chỉ cơ bản đủ vận hành trạm trung tâm, nếu vận hành cả hai trạm thì số lượng cán bộ nêu trên không thể đáp ứng. UBND xã Trần Phú đã nhiều lần đề nghị cấp trên sớm tìm giải pháp khắc phục. T
háng 7 và tháng 8-2016, Sở Y tế, UBND huyện Chương Mỹ đã chủ trì tổ chức họp với các sở, ngành của thành phố nhằm tháo gỡ những tồn tại, thống nhất báo cáo thành phố cho phép thành lập cơ sở 2, Trạm Y tế xã Trần Phú. Mới đây, UBND thành phố đã giao Sở Nội vụ xử lý dứt điểm những tồn tại trên, sớm đưa Trạm Y tế Trần Phú B vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân.
Tuy nhiên, để xảy ra hiện trạng công trình xây xong rồi nằm đắp chiếu hàng năm trời cũng là bài học cho công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực ngoại thành. Để công trình Trạm Y tế Trần Phú B có thể hoạt động, chắc chắn Nhà nước sẽ phải bỏ ra thêm một nguồn ngân sách không nhỏ khắc phục sự xuống cấp và đến lúc này cũng chưa có cơ quan nào ấn định được ngày công trình có ý nghĩa dân sinh rất lớn này chính thức vận hành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.