(HNMO) - Sáng 21-6, tại thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên phối hợp tổ chức hội nghị hợp tác, phát triển.
Quang cảnh hội nghị. |
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên Bùi Xuân Hòa đồng chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị, về phía thành phố Hà Nội có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Huyền Mai cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của thành phố.
Về phía tỉnh Thái Nguyên, dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Đặng Xuân Trường, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lê Văn Tuấn, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Phạm Hoàng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Khắc Lâm, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phạm Thái Hanh, Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Như Tuấn; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Vũ Duy Tuấn đã báo cáo những kết quả nổi bật trong hợp tác giữa thành phố Hà Nội và tỉnh Thái Nguyên. Những năm qua, hai địa phương đã phối hợp thực hiện tốt chương trình kết nối sản phẩm nông sản tỉnh Thái Nguyên (chè, bột trà xanh, miến dong, tương nếp Úc Kỳ, nấm Phú Gia, gà đồi Phú Bình, bánh chưng Bờ Đậu...) vào hệ thống phân phối tại thành phố Hà Nội (siêu thị Aeon, Fivimart, chợ Đồng Xuân...).
Cùng với đó, hai địa phương đã tăng cường phối hợp trong các lĩnh vực: Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản an toàn; kết nối hạ tầng đường bộ; quản lý hoạt động vận tải; xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp; hỗ trợ an sinh xã hội… Đặc biệt, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thôn Đèo De, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên (hoàn thành năm 2005) là công trình do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi giáo dục truyền thống cách mạng và là một điểm đến của du khách trong nước, quốc tế.
Ngoài ra, hai tỉnh, thành phố còn chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Các ban Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và các sở, ngành, quận, huyện, thị xã của hai địa phương có các hoạt động giao lưu, học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác. Qua đó đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền thành phố Hà Nội và tỉnh Thái Nguyên triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị...
Tại buổi làm việc, bên cạnh kết quả tích cực đã đạt được, lãnh đạo các sở, ngành hai địa phương thẳng thắn thừa nhận, hoạt động hợp tác giữa thành phố Hà Nội và tỉnh Thái Nguyên chưa toàn diện, chưa tương xứng và chưa khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên. Hình thức hợp tác chủ yếu là trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, giao lưu, chưa chuyển mạnh sang thực hiện theo các chương trình, đề án cụ thể. Vì thế, thời gian tới, hai địa phương thống nhất sẽ đẩy mạnh hợp tác về kinh tế - xã hội; tập trung phát triển du lịch, thương mại, thúc đẩy liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc bày tỏ sự ấn tượng và chúc mừng sự phát triển của tỉnh Thái Nguyên trong những năm qua. Nhấn mạnh mục đích của hai địa phương là phát triển ngày càng giàu mạnh, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, thành phố Hà Nội và tỉnh Thái Nguyên đã có sự phối hợp, hợp tác truyền thống nhiều năm. Tuy nhiên, việc phối hợp, hợp tác mới chỉ dừng ở mức giao lưu, giới thiệu sản phẩm vùng của nhau, trong khi nhiều tiềm năng có thể phát triển, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa. Đơn cử, thành phố Hà Nội là thị trường rộng lớn với 10 triệu dân, nhu cầu tiêu thụ nông sản, thực phẩm tươi sống cao, nhưng nguồn cung cấp tại chỗ mới chỉ bảo đảm từ 30% đến 40%, hầu hết phải chuyển từ các tỉnh, thành phố khác về nên Thái Nguyên có thể hợp tác, cung cấp sản phẩm cho Thủ đô.
Để nâng cao hiệu quả phối hợp giữa hai địa phương, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên cụ thể hóa các nhiệm vụ, tăng cường trao đổi, nhất là về những nội dung hai bên có thế mạnh; thường xuyên báo cáo kết quả với lãnh đạo hai tỉnh, thành phố.
Nhân dịp này, thông tin về hoạt động của HĐND thành phố Hà Nội, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, kết quả hoạt động từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay đã khẳng định rõ nét vai trò, vị thế của HĐND thành phố; nhiều cán bộ chuyên trách HĐND thành phố đã trưởng thành, được phân công giữ những vị trí cán bộ chủ chốt. Thời gian tới, HĐND thành phố Hà Nội và tỉnh Thái Nguyên có thể giao lưu, trao đổi kinh nghiệm hoạt động của mỗi bên để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định.
Trân trọng cảm ơn tình cảm, sự quan tâm của thành phố Hà Nội đối với cán bộ và nhân dân tỉnh Thái Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên Bùi Xuân Hòa mong muốn, Hà Nội tiếp tục tăng cường phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ Thái Nguyên trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Thái Nguyên cũng phấn đấu xây dựng đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội trong tương lai.
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc đã trao tặng tỉnh Thái Nguyên 3 tỷ đồng để thực hiện công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.