Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”

Thế Đan| 04/03/2023 06:37

(HNM) - Luật Thủ đô được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-11-2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2013. Đây là văn bản pháp lý quan trọng quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Sau gần 10 năm thi hành, Luật Thủ đô và các văn bản liên quan đã có tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội và công tác quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, giai đoạn 2011-2020, kinh tế Hà Nội tăng trưởng 6,83%/năm, gấp 1,15 lần cả nước.

Tuy nhiên, so với yêu cầu, việc tổ chức thi hành Luật Thủ đô chưa đạt kết quả như mong muốn. Cụ thể, các cơ chế, chính sách của luật chưa phát huy được hiệu quả do thiếu những quy định cụ thể về cơ chế đặc thù, phân cấp, nhằm thực sự giải quyết những tồn tại, hạn chế của Thủ đô. Điển hình là tăng trưởng kinh tế chưa hoàn thành mục tiêu đề ra, tốc độ dần chậm lại; môi trường đầu tư chưa vượt trội, một số chỉ số còn ở vị trí thấp so với nhiều tỉnh, thành phố khác. Cùng với đó, các quy định liên quan đến công tác quy hoạch, phát triển đô thị, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ… còn nhiều “điểm nghẽn”.

Một trong những nguyên nhân của tồn tại, hạn chế xuất phát từ bất cập trong nội dung Luật Thủ đô và văn bản quy định chi tiết thi hành. Ví như, một số quy định của Luật Thủ đô chủ yếu mang tính nguyên tắc, định hướng chung, thiếu những cơ chế đặc thù cụ thể để thực hiện. Bên cạnh đó, có những luật ban hành sau đã vượt, hạn chế hoặc bãi bỏ quy định trong Luật Thủ đô, làm cho luật có những điều khoản không còn là giá trị riêng của Thủ đô hoặc không thể áp dụng. Chính vì thế, đòi hỏi sửa đổi Luật Thủ đô là cần thiết và cấp thiết.

Hiện nay, công việc chuẩn bị cho dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được thành phố Hà Nội, Bộ Tư pháp khẩn trương chuẩn bị. Chín nhóm chính sách đề nghị sửa đổi đã cơ bản được thống nhất, đặc biệt là định hướng có tính nguyên tắc: Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Luật Thủ đô với luật, nghị quyết khác của Quốc hội thì áp dụng theo quy định của Luật Thủ đô. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi hoặc thuận lợi hơn Luật Thủ đô thì việc áp dụng do HĐND thành phố Hà Nội quyết định... Đây là những điều được nhiều chuyên gia pháp lý đồng tình.

Cùng với đó, tinh thần chung là cần rà soát, nghiên cứu, chọn lọc các cơ chế, chính sách đã được cấp thẩm quyền cho phép áp dụng thí điểm, đặc thù với các tỉnh, thành phố khác, nếu thực tiễn đã chứng minh là đúng và phù hợp với điều kiện của Hà Nội thì đưa vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Có cơ chế, chính sách đặc thù nhưng bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, tạo động lực, xung lực mới cho Thủ đô phát triển, với tinh thần như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, nhất là các cơ chế đầu tư, tài chính để huy động hợp tác công tư, thu hút các nguồn lực; cơ chế, chính sách về thu hút nhân lực chất lượng cao, về phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa, về quy hoạch đô thị...

Theo lộ trình dự kiến, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ sáu diễn ra cuối năm 2023 và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ bảy diễn ra tháng 5-2024... Thời gian như vậy không còn dài, khối lượng công việc lớn nên rất cần sự vào cuộc khẩn trương với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.