Phát huy tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, thành phố Hà Nội đã thống nhất điều chỉnh chương trình hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Việc làm kịp thời và ý nghĩa này thể hiện tình nghĩa, trách nhiệm sâu sắc của Thủ đô để sẻ chia với đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 và mưa lũ gây ra.
Thực tế, từ trước, trong và sau cơn bão số 3, thành phố Hà Nội đã chủ động triển khai đồng bộ các hoạt động sẻ chia, hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào gặp thiên tai. Ngay sau khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền các tỉnh khu vực miền Bắc (ngày 7-9-2024), trong đó có thành phố Hà Nội, ngày 9-9-2024, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đã thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy kết luận về nhiệm vụ hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3; trong đó chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội phối hợp với UBND thành phố triển khai ngay công tác hỗ trợ khẩn cấp đối với các tỉnh, thành phố bị thiệt hại do thiên tai.
Theo đó, thành phố đã hỗ trợ 9 tỉnh, thành phố bị thiệt hại nặng với mức 5 tỷ đồng mỗi địa phương, gồm: Thành phố Hải Phòng và các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn; hỗ trợ mỗi địa phương 3 tỷ đồng cho tỉnh Bắc Ninh và Vĩnh Phúc. Đáng chú ý, lãnh đạo thành phố Hà Nội thống nhất quan điểm không nhận hỗ trợ của Trung ương và các địa phương khác để ưu tiên dành cho các tỉnh, thành phố bị thiệt hại nặng hơn và khó khăn hơn.
Chưa dừng ở đó, ngày 10-9-2024, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tại lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3, thành phố Hà Nội đã trao tặng 61 tỷ đồng để hỗ trợ nhân dân vùng bão lũ nhanh chóng ổn định cuộc sống. Đặc biệt, hưởng ứng lời kêu gọi tham gia ủng hộ các tỉnh bị thiệt hại do bão lũ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, các địa phương, cơ quan, đơn vị và nhân dân Thủ đô đã nhiệt tình sẻ chia tấm lòng thơm thảo, thể hiện tình nghĩa đồng bào trong cơn hoạn nạn, cùng chung sức, đồng lòng với nhân dân cả nước kịp thời giúp đỡ người dân bị thiên tai.
Tính đến ngày 26-9-2024, tổng số tiền quyên góp chuyển về Quỹ Cứu trợ thành phố Hà Nội do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội phụ trách là hơn 200 tỷ đồng. Với số tiền tiếp nhận, cơ quan chức năng của thành phố đã, đang tích cực tiến hành các thủ tục cần thiết để chuyển hỗ trợ kịp thời cho các tỉnh, thành phố sử dụng trợ giúp người dân đang gặp khó khăn.
Thành phố Hà Nội cũng là một trong những địa phương phải hứng chịu hậu quả nặng nề của mưa lũ. Vì vậy, bên cạnh việc hỗ trợ đồng bào các tỉnh bị thiên tai, các cấp chính quyền Thủ đô đã chủ động triển khai nhiều giải pháp từ sớm, từ xa, tập trung các nguồn lực trợ giúp người dân trên địa bàn bảo đảm an toàn, an sinh và nhanh chóng phục hồi đời sống sinh hoạt, sản xuất. Đến nay, người dân các vùng bị thiên tai của thành phố đều nhận được sự hỗ trợ, sẻ chia kịp thời từ lãnh đạo thành phố cũng như các ban, ngành, đoàn thể, địa phương và nhân dân Thủ đô.
Hiện nay, các hoạt động hỗ trợ đồng bào vùng mưa lũ vẫn đang được toàn bộ hệ thống chính trị thành phố cùng người dân tích cực triển khai một cách thiết thực, hiệu quả, với quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau. Ý nghĩa hơn, với tình cảm “tương thân, tương ái” và tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, chiều 24-9 vừa qua, dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, Ban Thường vụ Thành ủy đã họp nghe báo cáo và cho ý kiến về các hoạt động tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Trên tinh thần lắng nghe và xem xét toàn diện, Ban Thường vụ Thành ủy đã nhất trí cao chỉ đạo dừng bắn pháo hoa ở toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo xem xét điều chỉnh tầm mức cụ thể đối với từng sự kiện văn hóa, nghệ thuật chào mừng, bảo đảm ý nghĩa thiết thực, trên tinh thần đổi mới, đề cao sự tham gia, hưởng ứng cũng như hưởng thụ văn hóa của người dân.
Như vậy, một điều rất ý nghĩa là các hoạt động kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô vẫn mang đầy đủ ý nghĩa giáo dục truyền thống nghìn năm văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị của Thủ đô; mặt khác sẽ nhấn mạnh giá trị nhân văn sâu sắc là tình dân tộc, nghĩa đồng bào và hơn hết là luôn hướng về người dân, tri ân cựu chiến binh tham gia đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô 70 năm về trước...
Người Hà Nội thân thiện, sống nghĩa tình, luôn dang rộng vòng tay khi đồng bào mình gặp gian khó. Cùng với tinh thần “tương thân, tương ái” với người dân đang khắc phục hậu quả do mưa lũ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô luôn ghi nhớ, biết ơn, chăm lo các gia đình chính sách, nối tiếp đạo lý, truyền thống “uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc; từ đó tiếp thêm động lực để tỏa sáng hình ảnh Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.