(HNM) - Sau những ồn ào về tour giá rẻ bị biến tướng (thường gọi là “tour 0 đồng”) đối với khách nước ngoài, các nhà quản lý lại phải đối mặt với tour giá rẻ biến tướng khác dành cho khách nội địa.
Cần quản lý chặt để bảo đảm chất lượng dịch vụ cho du khách, giúp du lịch Việt Nam phát triển bền vững.Ảnh: Nam Nguyễn |
Hệ quả từ tour giá rẻ
Tại các địa phương như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh… tour giá rẻ cho khách nước ngoài có nhiều cơ hội phát triển. Nhiều công ty lữ hành thường đưa khách Trung Quốc, Hàn Quốc đến những nơi này. Thay vì được khám phá tối đa điểm đến, du khách bị đưa đến các điểm mua sắm, trong đó các sản phẩm được bán với giá cao hơn hẳn giá thị trường. Đáng chú ý, các cửa hàng này chỉ phục vụ các tour giá rẻ và nguồn thu được chuyển thẳng về nước ngoài thay vì thông qua các ngân hàng ở Việt Nam.
Trong khi việc đưa khách nước ngoài tham gia các tour giá siêu rẻ ở Việt Nam vẫn còn tồn tại thì tại nhiều địa phương (Phú Thọ, Hải Dương, Hưng Yên, Nghệ An, Đà Nẵng... ) đã xuất hiện tour miễn phí, dành cho khách Việt Nam. Tour này chủ yếu nhắm đến đối tượng là người trung tuổi, cao tuổi dưới hình thức tham quan, khám phá di tích lịch sử - văn hóa ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong hành trình tour, đơn vị tổ chức giới thiệu và mời chào mua các mặt hàng, sản phẩm. Nhiều du khách đã ngậm đắng nuốt cay khi biết mua phải những sản phẩm có giá trị cao hơn nhiều so với giá thị trường.
Tháng 9-2018, Thanh tra Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt hành chính 24 triệu đồng đối với Công ty Du lịch và Thương mại Việt Nam Sport về hành vi vi phạm hoạt động du lịch, đồng thời yêu cầu đơn vị này chấm dứt việc bán hàng với giá cao trong hành trình tour. Tất cả bắt nguồn từ việc công ty này mời các cựu chiến binh ở Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng đi tour du lịch miễn phí nhưng thực chất là để bán các mặt hàng điện tử, thực phẩm chức năng với giá cao.
Trước thực trạng trên, nhiều địa phương đã phải đưa ra những cảnh báo với người dân về tình trạng lừa đảo, mời người dân tham gia các tour miễn phí trong đó có bán hàng với giá cao dưới hình thức tri ân khách hàng, khuyến mãi… Theo anh Đào Văn Kiên, một hướng dẫn viên du lịch, chỉ bằng cách này thì doanh nghiệp mới thu hồi được chi phí cho việc tổ chức tour miễn phí. Rõ ràng, sự biến tướng này là một thách thức không nhỏ đối với cơ quan chức năng tại các địa phương.
Cần kiên quyết xử lý đơn vị vi phạm
Du khách tham gia một tour giá rẻ tại tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Đào Bích |
Theo chia sẻ của Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) Nguyễn Quý Phương, tour giá rẻ là cách thức bán hàng bao gồm dịch vụ tối thiểu tại điểm đến, tuy nhiên khách du lịch được khuyến khích sử dụng nhiều dịch vụ khác nhau như mua sắm, tham quan, vui chơi, giải trí... Về bản chất, tour giá rẻ là hình thức cạnh tranh bằng giá theo cơ chế thị trường. Xét về mặt tích cực, khách du lịch vẫn phải chi trả cho các dịch vụ lưu trú, ăn uống, tham quan, vận chuyển... nên sẽ tạo doanh thu, việc làm, khuyến khích sản xuất, tiêu thụ hàng hóa. Đối với các hãng hàng không, tour giá rẻ là đòn bẩy để thu hút khách, duy trì sự ổn định của đường bay. Loại hình này cũng làm giảm tính mùa vụ của du lịch, giúp tăng lượng khách vào mùa thấp điểm và đem lại doanh thu cho điểm đến.
"Mặt tiêu cực của tour giá rẻ là khi bị biến tướng, bị các doanh nghiệp lợi dụng hình thức du lịch này để bán hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, giá cao... Dù vậy, không nên xóa bỏ loại hình du lịch này. Vấn đề đặt ra là việc quản lý tour du lịch giá rẻ cần đáp ứng yêu cầu cơ chế thị trường, bảo đảm chất lượng dịch vụ, bảo vệ quyền lợi du khách, hình ảnh điểm đến cũng như các nguồn thu thuế cho Nhà nước", ông Nguyễn Quý Phương nhấn mạnh.
Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, để xử lý, ngăn chặn mặt tiêu cực, phát huy mặt tích cực của tour giá rẻ, các cấp, ngành chức năng cần tăng cường kiểm soát đối với các cửa hàng hoạt động kinh doanh khép kín mang tính lừa đảo, thường do người nước ngoài núp bóng điều hành; kiểm soát chất lượng, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, không để trốn thuế, chuyển tiền trái phép ra nước ngoài. Ngoài ra, phải kiên quyết xử phạt, rút giấy phép đối với các doanh nghiệp lữ hành vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi của du khách...
Cùng với đó rất cần sự sâu sát của chính quyền địa phương. Thực tế, việc doanh nghiệp đến địa phương để mời người dân tham gia tour miễn phí hay cửa hàng phục vụ khách nước ngoài tham gia tour giá rẻ hoạt động như thế nào đều khó có thể qua mắt chính quyền địa phương. Đây chính là mấu chốt của vấn đề, cần được giải quyết triệt để trong thời gian tới. Đặc biệt, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành Công Thương, Thuế, Ngân hàng, Công an... và chính quyền cơ sở là rất cần thiết để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đơn vị sai phạm trong hoạt động tour giá rẻ với khách nước ngoài; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân để họ nhận thức đủ và đúng về biến tướng của tour giá rẻ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.