(HNM) - Hôm nay (6-2), Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad bắt đầu chuyến thăm lịch sử tới Ai Cập trong hai ngày (6 và 7-2), để tham dự hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) ở thủ đô Cairo.
Như vậy, kể từ khi Tehran đã cắt đứt mọi quan hệ với Cairo năm 1980, Tổng thống M.Ahmadinejad là nguyên thủ quốc gia đầu tiên của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran đến xứ Kim Tự tháp sau hàng thập kỷ quan hệ ngoại giao gián đoạn. Chuyến thăm được thực hiện sau chuyến công du của Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi đến Iran dự Hội nghị Phong trào không liên kết (NAM, tháng 8-2012) tại Tehran, hứa hẹn mở ra chương mới trong quan hệ hai quốc gia Hồi giáo lớn trong khu vực.
Sự xích lại quan hệ giữa Iran và Ai Cập đã mở ra nhiều cơ hội cho người dân hai nước. |
Sự xích lại gần nhau giữa hai quốc gia có vị thế quan trọng trong thế giới Arab và các nước Hồi giáo làm dấy lên hy vọng, trước hết là thúc đẩy tiềm năng hợp tác, mang lại nguồn lợi, điều kiện sống tốt hơn cho người dân hai bên, tạo nền tảng cho sự ổn định chính trị ở từng quốc gia. Nhìn lại thời gian qua, quan hệ hai nước đã gặp không ít sóng gió. Năm 1980, Iran đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ai Cập để phản đối việc Ai Cập và Israel ký Hiệp ước hòa bình một năm trước đó. Trong suốt thời gian dài, chính phủ tiền nhiệm của Ai Cập - thời Tổng thống Hosni Mubarak - từng coi Iran là "một nhân tố gây bất ổn tại Trung Đông". Bởi vậy, thời kỳ đó, khi các bộ trưởng thương mại và lãnh đạo doanh nghiệp Ai Cập tìm cách thúc đẩy quan hệ kinh tế với Iran đều vấp phải sự phản đối của Bộ Ngoại giao và giới chức tình báo Ai Cập.
Tuy nhiên, cuộc nổi dậy tại Ai Cập vừa qua đã mở ra một chương mới trong quan hệ hai bên. Kể từ khi Phong trào Anh em Hồi giáo (MB) lên nắm quyền tại Ai Cập, hai quốc gia đông dân nhất Trung Đông đã thúc đẩy để nối lại quan hệ. Với Cairo, quan hệ với Iran sẽ tạo thế cân bằng chiến lược trong khu vực, nâng cao vị thế, giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ. Thắt chặt quan hệ với Iran sẽ mang lại cho Ai Cập "chìa khóa" để cải thiện vị thế và đa dạng hóa các mối quan hệ trong khu vực. Ai Cập không thể khẳng định vị thế cường quốc khu vực nếu không duy trì quan hệ với tất cả các nước lớn tại khu vực. Do đó, hợp tác với Tehran sẽ mở đường cho Ai Cập trở thành một phần của thế cân bằng chính trị trong khu vực địa chiến lược trải dài từ Iraq đến Lebanon. Còn Tehran, có quan hệ tốt với "láng giềng gần" sẽ mở rộng thêm mặt trận mới với đồng minh được củng cố, nhất là khi Tehran đang trong bối cảnh bị bao vây, cấm vận từ Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU). Đồng thời, qua đó, Tehran sẽ thiết lập mối quan hệ gần gũi hơn với thế giới Arab và cho phép chính quyền của Tổng thống M.Ahmadinejad linh hoạt hơn trong xử lý các mối quan hệ với các quốc gia vùng Vịnh.
Từ các nhu cầu nội tại và khu vực như vậy, thời gian qua, cả hai nước đều đi những bước đáng kể để lập lại quan hệ. Cụ thể, tại Hội nghị thượng đỉnh NAM (8-2012), ông M.Ahmadinejad và người đồng cấp Ai Cập M.Morsi đã nhất trí thúc đẩy quan hệ song phương. Tiếp sau đó, một loạt các hoạt động trên nhiều lĩnh vực được đẩy mạnh. Trung tuần tháng 9-2012, Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi tuyên bố Tehran sẵn sàng cử đại sứ tới thủ đô Cairo để nối lại quan hệ giữa hai nước ở cấp độ cao nhất. Cuối tháng 10-2012, giới truyền thông hai nước cho biết, Iran và Ai Cập đã đồng ý nối lại quan hệ thương mại song phương lần đầu tiên sau hơn ba thập kỷ gián đoạn. Mới đây, trung tuần tháng 1-2013, Ngoại trưởng Iran Salehi đã thực hiện chuyến thăm thứ hai tới Ai Cập để bàn về liên kết người Hồi giáo khu vực, bất kể đó là dòng Shiite hay Sunni...
Dư luận khu vực nhận định, quan hệ Ai Cập - Iran đang tiến những bước phát triển vững chắc và hầu như không gặp trở ngại nào vì nhu cầu củng cố vị thế không chỉ song phương mà còn cả trên trường quốc tế. Đây là dự báo đầy hy vọng cho khu vực và cộng đồng quốc tế hiện nay trong bối cảnh thế giới Hồi giáo đã và đang chịu nhiều tác động với các cuộc khủng hoảng không ngừng leo thang và có cơ lan rộng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.