Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tỏa sáng bản lĩnh, phẩm chất người Tràng An

Hoàng Lan| 25/09/2021 13:05

(HNMCT) - Trong “cơn bão” Covid-19, cộng đồng một lần nữa được chứng kiến một dòng chảy văn hóa không ngừng nghỉ trong tâm thức mỗi người Hà Nội. Đó chính là sự đoàn kết, nhân văn, những nghĩa cử cao đẹp, ý thức cùng giúp đỡ nhau vượt qua mọi khó khăn, là sự nghiêm túc, thượng tôn pháp luật khi chấp hành quy định phòng, chống dịch của các cấp chính quyền. Quan trọng hơn, mỗi người đã nhận ra rằng, muốn đẩy lùi dịch bệnh thì không chỉ dựa vào quyết tâm của Chính phủ và những nỗ lực của các cấp, ngành, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào cách ứng xử văn minh, tử tế của mỗi người dân.

Người Hà Nội yêu thương, san sẻ để cùng nhau vượt qua đại dịch Covid-19. Ảnh: Quang Thái

Một Hà Nội vững tâm qua “giông bão”

Không phải đến bây giờ, khi những thông tin về số ca mắc Covid-19 đang giảm dần mà ngay từ những ngày đầu khi dịch Covid-19 mới xuất hiện, vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, người Hà Nội đã đối mặt với biến cố ấy với một tâm thế vững vàng. Điều này không phải tự dưng mà có. Từ khi bắt đầu mang vị thế là kinh đô/ thủ đô của đất nước, Thăng Long - Hà Nội đã phải hứng chịu biết bao lần binh đao, đạn lửa, thiên tai... Sau mỗi biến cố, người Hà Nội nhận ra, muốn tồn tại phải luôn chung sức, đồng lòng, hiểu được ý nghĩa của tình đồng bào, đồng chí, hun đúc tinh thần “tương thân, tương ái”, yêu thương, san sẻ, đùm bọc lẫn nhau...

Nói về tâm thế bình tĩnh của người Hà Nội khi trải qua biến cố, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc từng viết rằng: “Mặc cho những cuộc nổi loạn, mặc cho những cuộc chiến chinh Ðàng Trong - Ðàng Ngoài, kinh tế Thăng Long vẫn phát triển khiến cho khách thương nước ngoài ồ ạt kéo tới lập hãng buôn, thương điếm... Khu vực buôn bán của kinh thành Thăng Long thời đó đã rộng rãi, đông đúc và sầm uất, nên cũng từ thời đó người ta bắt đầu gọi kinh thành Thăng Long là Kẻ Chợ...”.

Không chỉ đương đầu với thù trong, giặc ngoài, Thăng Long - Hà Nội cũng nhiều lần hứng chịu các đợt dịch bệnh. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến đã ghi chép lại rằng, tại Hà Nội từng xảy ra nhiều trận dịch khủng khiếp, như dịch tả năm 1888, dịch hạch năm 1902, hay trong những năm đầu của thế kỷ XX, Hà Nội cũng đã xảy ra 2 trận dịch tả lớn vào năm 1910 và năm 1914... Trong cuốn “Lịch sử Hà Nội”, tác giả Philippe Papin đã đưa ra những nhận định khủng khiếp: “Mỗi năm dịch tả, dịch hạch đã cướp đi từ 600 - 800 người sống ở Hà Nội”. Cũng theo Philippe Papin, “từ năm 1885 - 1920 vì dịch tả và dịch hạch nên tuổi thọ trung bình của viên chức người Việt trong chính quyền Pháp chỉ là 30 năm 6 tháng”, đó là tầng lớp khá giả, còn với dân nghèo thì tuổi thọ trung bình còn thấp hơn nhiều...

Tuy nhiên, cũng theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, “thành phố Hà Nội khi ấy đã cũng có quy định chặt chẽ về vệ sinh nên hằng năm vào tháng 7 đến tháng 9 cũng ít dịch bệnh hơn. Với người bị bệnh, họ được chữa trị trong các khoa truyền nhiễm của Bệnh viện Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức) và Robin (nay là Bệnh viện Bạch Mai) nên không còn gây ra tình trạng hoảng loạn bỏ phố về quê...”.

Ở thời điểm hiện tại, khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư và được đánh giá là nghiêm trọng, tâm thế bình tĩnh, phẩm chất nhân văn, lối ứng xử văn minh của người Hà Nội lại được dịp tỏa sáng. Đó là các đoàn xe chở đội ngũ y, bác sĩ ở các bệnh viện trên địa bàn Thủ đô lên đường tiếp sức cho lực lượng tuyến đầu tại "điểm nóng" thành phố Hồ Chí Minh. Ngay tại Thủ đô, người Hà Nội đã đùm bọc, thương yêu để "không ai bị bỏ lại phía sau", đặc biệt là những người nghèo, người gặp khó khăn trong đại dịch. Trên những con đường, ngõ nhỏ hay giữa trung tâm đô thị, bất cứ ai đều dễ dàng bắt gặp những hành động giúp đỡ, sẻ chia giữa người với người. Những bếp ăn, siêu thị, cửa hàng, quán ăn “0 đồng”, những "cây gạo ATM", những suất quà tình nghĩa, những lời nhắn nhủ “Ai cần thì lấy”, những “Bếp ăn từ thiện phục vụ cho các khu cách ly tập trung”, “Điểm phát cơm chay”, “Chuyến xe nghĩa tình”... đã lan tỏa và được nhân rộng ngày càng nhiều. Những hành động giản dị, chân thành góp phần tạo nên hiệu ứng tích cực trong xã hội, mang đến nhiều xúc cảm và tiếp thêm sức mạnh cho cộng đồng...

Gia đình bà Trần Thị Tới (quận Hai Bà Trưng) tặng bánh bao, bánh mỳ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19. Ảnh: Nguyễn Thái

"Vắc xin cộng đồng"

Dịch Covid-19 đã tạo ra nhiều hệ lụy, gây khó khăn cho cuộc sống của nhiều người dân. Tuy nhiên, khó khăn liệu có biến cuộc sống trở thành nỗi sợ hãi hay không, câu trả lời phụ thuộc vào cách nghĩ của mỗi người, vào cách chúng ta ứng xử với nó. Và, 2 năm qua là khoảng trải nghiệm đủ dài để ta nhận ra rằng, hơn lúc nào hết, chúng ta rất cần sự chia sẻ, đồng thuận, chung tay của cả xã hội.

Chính vì thế, để nhân lên những điều tử tế, để phẩm chất tốt đẹp của người Hà Nội trong thời đại mới tỏa sáng, theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long Nguyễn Viết Chức, điều quan trọng nhất vẫn là đề cao, khơi dậy tính tự giác của người Hà Nội. Từ sự tự giác đó, mỗi người sẽ tự ý thức được sự cần thiết phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng, rửa tay, sát khuẩn thường xuyên, vệ sinh sạch sẽ, tăng cường thể dục thể thao... Những thói quen như giữ khoảng cách an toàn khi nói chuyện, giao tiếp, xếp hàng, mua bán... sẽ dần được hình thành. Mỗi gia đình, mỗi người sẽ dần hình thành nếp cân nhắc tính toán thật kỹ khi chi tiêu, có tích lũy để phòng khi khó khăn ập đến bất ngờ, cân nhắc về giá trị và hiệu quả trước mỗi món đồ định mua. Tiệc cưới sẽ thay bằng hình thức báo hỷ, các buổi giỗ chạp, hội hè không ồn ã, phô trương... Đó chính là nếp sống văn hóa mới nên được thực hành, nhân rộng.

Quan trọng hơn, để vun đắp lối ứng xử văn minh, thanh lịch cả trong những ngày bình yên hay trong đại dịch, việc thực hiện các Quy tắc ứng xử cần được triển khai mạnh mẽ, chú trọng xây dựng mô hình điểm như: Mô hình “Xây dựng ngõ văn minh”, “Tổ dân phố xanh - sạch - đẹp”, Chương trình viết về gương điển hình trong thực hiện quy tắc ứng xử... Những mô hình, phong trào này sẽ góp phần nâng cao nhận thức, chuẩn hóa hành vi ứng xử theo hướng văn minh của không chỉ công chức, viên chức mà cả với người dân Thủ đô, góp phần khơi dậy ý thức, trách nhiệm, niềm tự hào của người Hà Nội, qua đó đề cao, vun đắp nếp sống văn minh, thanh lịch ở một thành phố có bề dày lịch sử văn hiến.

Để rồi từ nhận thức đúng, cộng đồng sẽ dần hình thành một “phản xạ” không đồng tình khi ai đó có những hành vi, thái độ dửng dưng, vô cảm, thậm chí là sự chống đối trước những nỗ lực nhằm đẩy lùi dịch bệnh, để xã hội không còn những cá nhân không đeo khẩu trang, không thực hiện giãn cách trong bối cảnh dịch bệnh còn đe dọa cuộc sống bình an của cộng đồng. Họ sẽ bức xúc trước cảnh đám đông "chen vai, thích cánh" tại chùa, đền, phủ giữa những ngày dịch bệnh đang có nguy cơ diễn biến phức tạp hay hình ảnh nhiều người bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng để tụ tập, vui chơi...

Dịch Covid-19 chính là một phép thử của lòng người và hơn hết, đó là một phép thử đối với bản lĩnh, phẩm chất của người Hà Nội. Với tâm thế của một Thủ đô văn hiến, những hành vi lệch chuẩn sẽ dần trở nên lạc lõng trước một Hà Nội đồng tâm, đồng thuận trong phòng, chống dịch. Rồi đây, khi dịch bệnh qua đi, chúng ta sẽ có dịp nhớ lại "một thời Covid” với rất nhiều trải nghiệm về cuộc sống khó khăn mà thấm đẫm tình người, những câu chuyện đầy nhân văn về sự sẻ chia, chung tay đẩy lùi dịch bệnh, về sự thay đổi thói quen, lối sống và thậm chí là những giá trị sống... Để nhận ra rằng, ứng xử văn hóa, đoàn kết chung sức chống dịch cũng là một loại "vắc xin cộng đồng" để chúng ta sớm vượt qua hiểm họa, chiến thắng Covid-19, đồng thời làm ngời sáng lên những phẩm chất tốt đẹp của người Tràng An.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tỏa sáng bản lĩnh, phẩm chất người Tràng An

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.