(HNM) - Các lễ hội nghệ thuật quốc tế luôn là sản phẩm văn hóa “vàng” để thúc đẩy và tạo đột phá cho các ngành công nghiệp văn hóa. Sự thành công của Lễ hội Âm nhạc quốc tế “Gió mùa” - Monsoon Music Festival 2019 vừa qua tại Hà Nội và nhiều sự kiện nghệ thuật gần đây là minh chứng cho điều đó. Song, để tổ chức được các lễ hội nghệ thuật thực sự chuyên nghiệp, chuẩn quốc tế cần có kết nối, hợp sức nhiều nguồn lực.
Xây dựng thương hiệu nghệ thuật hấp dẫn
Hòa vào hàng chục nghìn khán giả trong những ngày diễn ra Lễ hội âm nhạc quốc tế “Gió mùa” - Monsoon Music Festival 2019 cuối tuần qua, tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, phóng viên Báo Hànộimới cảm nhận rõ một không khí nghệ thuật mới mẻ, độc đáo, an toàn và ngày càng đẳng cấp.
Lễ hội năm nay có 13 ban nhạc, nghệ sĩ danh tiếng của Ireland, Hàn Quốc, Đan Mạch, Mỹ, Israel, Đức, Indonesia, Việt Nam... tham gia biểu diễn trong 3 ngày. Khán giả được đắm mình trong âm nhạc, nhảy múa với từng tiết mục sôi động và tự do đi lại, trò chuyện, gặp gỡ những người bạn cùng sở thích. Cách thức tổ chức này khác hẳn với những buổi hòa nhạc thông thường.
Có thể nói, Lễ hội âm nhạc quốc tế “Gió mùa” đã trở thành thương hiệu văn hóa - âm nhạc của Thủ đô. Đã có khoảng 170.000 lượt khán giả tham gia lễ hội, gần 250 nghệ sĩ biểu diễn, gần 3.000 tình nguyện viên góp mặt trong 5 mùa diễn ra sự kiện. Riêng mùa diễn năm 2019 vừa khép lại, mỗi đêm có 15.000 người tham dự, không chỉ có khán giả Thủ đô mà còn có nhiều người yêu nhạc từ các tỉnh, thành phố và du khách nước ngoài.
Theo Tổng đạo diễn Nguyễn Quốc Trung, lễ hội được tổ chức với mong muốn đưa đến không gian văn hóa, nghệ thuật tiêu chuẩn quốc tế cho khán giả Việt Nam, tạo điểm đến nghệ thuật của Hà Nội trên bản đồ âm nhạc thế giới, góp phần thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển.
Ngay sau sự kiện này, từ ngày 11 đến 17-11, Liên hoan xiếc thế giới - Hạ Long 2019 sẽ diễn ra tại Quảng Ninh, với sự tham dự của hơn 100 nghệ sĩ xiếc quốc tế thuộc 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây được kỳ vọng là sản phẩm văn hóa, nghệ thuật thường niên mở ra “Chương mới cho một kỳ quan”, nhằm thu hút công chúng, du khách đến với Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long trong mùa đông - mùa thấp điểm du lịch.
Cùng chung ý tưởng đó, vào trung tuần tháng 12, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (thành phố Hồ Chí Minh) sẽ có Lễ hội âm nhạc quốc tế “Hò dô 2019”, được xây dựng thành một trong những thương hiệu văn hóa, nghệ thuật của thành phố mang tên Bác. Điểm đặc biệt của lễ hội này là sự hòa quyện giữa âm nhạc truyền thống và âm nhạc hiện đại, giữa âm nhạc Việt Nam và quốc tế.
Dự kiến sẽ có các ban nhạc pop, world music, jazz, latin, âm nhạc truyền thống của các nước Pháp, Bỉ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Hy Lạp, Ấn Độ… tham gia biểu diễn. Trước đó, Festival Huế, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng cũng là những sự kiện nghệ thuật quốc tế thường niên, đã và đang trở thành thương hiệu thu hút người yêu nghệ thuật, du khách đến với Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng.
Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Phương Hòa cho rằng, xây dựng thương hiệu lễ hội nghệ thuật quốc tế cũng là xây dựng thương hiệu cho nền công nghiệp văn hóa, nhằm truyền đạt những giá trị nhân văn, quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, thúc đẩy các ngành khác phát triển.
"Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030", theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 8-9-2016, đã hoạch định nghệ thuật biểu diễn với các lễ hội nghệ thuật chuyên nghiệp quốc tế là một trong những lĩnh vực trọng điểm.
Càng chuyên nghiệp, hiệu quả càng cao
Những năm gần đây, nhiều sự kiện, lễ hội nghệ thuật quốc tế với các quy mô khác nhau được tổ chức tại khắp các địa phương, bước đầu cho thấy sự phát triển của nền công nghiệp văn hóa. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa, nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Hà Nội vừa chính thức được UNESCO ghi danh vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo và một trong những bằng chứng cho hướng đi sáng tạo ấy của Thủ đô là Lễ hội âm nhạc quốc tế “Gió mùa”. Đây là sự kiện được tổ chức chuyên nghiệp và có chất lượng chuyên môn cao, cần nhân rộng trên khắp cả nước.
Sự chuyên nghiệp của Lễ hội âm nhạc quốc tế “Gió mùa” không chỉ là mời các nghệ sĩ xuất sắc thuộc nhiều phong cách âm nhạc thịnh hành ở khắp nơi trên thế giới đến Việt Nam trình diễn, mà còn tạo không gian lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến cộng đồng.
Tổng đạo diễn Nguyễn Quốc Trung cho biết, “Gió mùa” được xây dựng dựa trên 5 giá trị cốt lõi: Lễ hội, ngoạn mục, thử nghiệm, chủ đề và tham gia. Ở đó, khán giả là trung tâm, được bảo đảm quyền lợi thông qua vòng đeo tay điện tử định danh (thay vì vé vào cửa), được bảo vệ an toàn trong suốt quá trình trải nghiệm và đặc biệt là góp phần tạo nên những giá trị cũng như sự thành công của sự kiện.
Lễ hội âm nhạc quốc tế “Gió mùa” đã được UBND thành phố Hà Nội đồng ý cho tổ chức vào tháng 11 hằng năm (đến năm 2024), tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Điều này giúp Ban tổ chức chủ động mời các nghệ sĩ quốc tế trong những năm tới và ấn định lịch lễ hội để khán giả sắp xếp tham dự.
Để đi đến sự chuyên nghiệp này, Ban tổ chức đã học tập kinh nghiệm từ các mô hình quốc tế, điều chỉnh phù hợp với điều kiện Việt Nam và quan trọng nhất là tạo dựng được hệ sinh thái giữa nhà quản lý, nhà tổ chức, các bên cung cấp trang thiết bị, nghệ sĩ và cộng đồng khán giả...
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn cho rằng, các khâu để tổ chức một lễ hội nghệ thuật quốc tế như lập kế hoạch, gây quỹ, thiết lập mạng lưới đối tác, kêu gọi nghệ sĩ, duy trì sức hút với khán giả… càng chuyên nghiệp, thì hiệu quả càng cao và đóng góp mạnh mẽ cho sự phát triển nền công nghiệp văn hóa.
Nhìn rộng ra những nước phát triển, theo chia sẻ của bà Conny Jorgensen, quản lý Dự án SPOT Festival (Đan Mạch) - một trong bốn lễ hội âm nhạc thường niên lớn nhất châu Âu, ở Đan Mạch, các festival nghệ thuật hiện đại đều được chính phủ hỗ trợ tài chính để phát triển, bởi họ coi đó là một kênh kích cầu du lịch, kinh tế…
“Chúng tôi làm việc với các tổ chức hoạt động nghệ thuật, các điểm diễn, nhà tài trợ, nghệ sĩ để tạo nên một mô hình vận hành tiêu chuẩn. Bởi vậy, Ban tổ chức chỉ có 10 người, nhưng có đến 500 tình nguyện viên mỗi năm và hình thành được mạng lưới 35 điểm diễn đồng loạt mỗi mùa, thu hút hàng trăm nghìn lượt khán giả khắp nơi trên thế giới”, bà Conny Jorgensen cho biết.
Không khó để tổ chức một lễ hội nghệ thuật quốc tế, song muốn duy trì lâu dài, tạo dựng thương hiệu thì cần sự hỗ trợ, khuyến khích, tư duy cởi mở của các nhà quản lý; sự hợp tác, hỗ trợ của giới nghề và ý thức xây dựng của cộng đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.