(HNM) - Liên tục trên mạng xã hội hay một số website, tên tuổi của không ít giáo sư, bác sĩ đầu ngành, thậm chí cả thương hiệu bệnh viện lớn đã bị một số cơ sở, cá nhân giả mạo với mục đích quảng cáo bán thuốc, sản phẩm làm đẹp, thực phẩm chức năng, chữa bệnh… Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, mỗi người dân cần cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo này, tránh “tiền mất, tật mang”.
Đủ kiểu mạo danh...
Tháng 8-2019, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 đã phản ánh về tình trạng, thời gian gần đây, trên mạng xã hội đăng nhiều thông tin về việc bệnh viện có bán, kiểm nghiệm thuốc điều trị bạc tóc, thuốc trị nám, sản phẩm làm đẹp. Trong khi đó, bệnh viện không sản xuất, kiểm nghiệm các loại thuốc này. Không những vậy, có phòng khám, cơ sở khám, chữa bệnh còn mang danh Bệnh viện trung ương Quân đội 108 để quảng cáo thu hút bệnh nhân. Theo Bệnh viện trung ương Quân đội 108, hiện bệnh viện chỉ có địa chỉ duy nhất tại số 1 Trần Hưng Đạo (quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội). Tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh mang tên “Viện 108” hay “Viện quân đội 108”… ở các địa chỉ khác đều là giả mạo.
Trước đó, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 cũng đã nhận được phản ánh về việc một số đoàn khám bệnh mạo danh bệnh viện để đi tư vấn sức khỏe, quảng cáo dược phẩm, thực phẩm chức năng; đồng thời, tổ chức các tour du lịch kết hợp khám, chữa bệnh ở Hải Dương, Hải Phòng, Lào Cai và một số tỉnh, thành phố khác. Bệnh viện trung ương Quân đội 108 lưu ý người dân, hằng năm, bệnh viện đều tổ chức các đoàn y, bác sĩ khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí, tặng quà tại một số địa phương. Song, hoạt động này là hoàn toàn từ thiện và không thu bất kỳ một khoản phí nào. Do đó, người dân cần nâng cao cảnh giác, không để các đối tượng mạo danh cán bộ y tế của bệnh viện để lừa đảo tư vấn, bán thuốc, cung cấp dịch vụ thu tiền…
Không chỉ thương hiệu bệnh viện mà ngay cả giáo sư, bác sĩ cũng bị mạo danh. Mới đây, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) đã lên tiếng về việc hình ảnh và tên tuổi của mình bị một số cơ sở thẩm mỹ mạo danh dưới hình thức hợp tác. Cụ thể, một trang Facebook quảng cáo về một cơ sở thẩm mỹ viện có trụ sở tại Hải Phòng cho biết, cơ sở này đã mời Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thiết Sơn về phẫu thuật. Trong khi thực tế, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thiết Sơn không hợp tác với thẩm mỹ viện nào như vậy. Không chỉ Facebook mà có những website còn lợi dụng hình ảnh và danh tiếng của ông để quảng cáo, tư vấn về bệnh nam khoa…
Cũng là người thường xuyên bị mạo danh trên Facebook, bác sĩ Nguyễn Thị Nhã, phụ trách Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Bưu điện Hà Nội) bức xúc cho biết: "Họ ngang nhiên sử dụng hình ảnh, tên tuổi của tôi để quảng cáo, có lúc họ khoác cho tôi danh hiệu bác sĩ đông y, lúc lại là bác sĩ sản khoa, rồi bán cả thuốc chữa rụng tóc... Điều này ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân tôi và uy tín của bệnh viện. Nguy hại hơn, có những người dân cả tin nghe theo những lời quảng cáo đó, khiến họ rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”…
Xưng danh bác sĩ bán thuốc trên mạng đều là giả mạo
Thời gian qua, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nội tiết trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương… đã tiếp nhận không ít bệnh nhân bị ngộ độc, biến chứng nặng do tự mua thuốc trên mạng về điều trị. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) cảnh báo, vì tin vào những lời quảng cáo thổi phồng trên mạng mà không ít người bệnh đã mua thuốc đông y trôi nổi về sử dụng. Hậu quả, có những người đã phải nhập viện cấp cứu vì ngộ độc, tổn thương da toàn thân, nhiễm trùng huyết, suy gan, suy thận, thậm chí có trường hợp tử vong.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), hiện có không ít đối tượng sử dụng mạng xã hội và hình ảnh một số nhân vật có ảnh hưởng tới công chúng như bác sĩ, người nổi tiếng để quảng cáo nhiều nội dung sai sự thật, nhất là quảng cáo thực phẩm chức năng. Các doanh nghiệp sử dụng, lợi dụng danh nghĩa, biểu tượng, hình ảnh, địa vị, uy tín, thư tín của tổ chức y tế, cán bộ y tế để quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng là hành vi bị nghiêm cấm. Thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm đã xử phạt rất nhiều cơ sở, cá nhân sử dụng hình ảnh của nhân viên y tế để quảng cáo, thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh. Thậm chí, có những đơn vị vi phạm quảng cáo đã bị xử phạt với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng…
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế cho biết, theo quy định của Bộ Y tế, các bác sĩ không được phép bán thuốc trên mạng xã hội. Do đó, tất cả đối tượng xưng danh là bác sĩ để bán thuốc trên mạng xã hội đều là giả mạo. Ngành Y tế đã và đang phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác thanh tra, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm, có dấu hiệu lừa đảo người dân.
“Để bảo đảm an toàn cho chính bản thân và gia đình mình, người dân cần nâng cao cảnh giác, không bị các đối tượng mạo danh bác sĩ, hay bệnh viện điều trị, kê đơn, bán thuốc… gây thiệt hại không đáng có”, ông Nguyễn Văn Nhiên lưu ý.
Theo Điều 32, Bộ luật Dân sự năm 2015, việc sử dụng hình ảnh của người khác sai quy định, thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.