Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tính chân xác phải đặt lên hàng đầu

Mai Hoa| 18/03/2015 06:37

(HNM) - Việc UBND TP Hà Nội phê duyệt Đề án nghiên cứu khôi phục không gian Điện Kính Thiên thực sự là tin vui với những người làm công tác bảo tồn di sản.


Nhưng, bên cạnh đó là những thách thức không nhỏ đối với người trong cuộc: Phải nhanh chóng bắt tay vào việc thế nào, tập trung trí tuệ chuyên gia, nhà khoa học, khảo cổ ra sao?... Chính vì vậy, buổi trao đổi thông tin do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức vào trưa ngày 17-3 thu hút sự quan tâm của báo giới. Rất nhiều câu hỏi đã được Phó Giám đốc phụ trách trung tâm Trần Việt Anh giải đáp nhằm làm rõ hơn đề án.

Hướng dẫn viên giới thiệu với khách tham quan Rồng đá Điện Kính Thiên. Ảnh: Bảo Lâm



- Thưa ông, việc nghiên cứu hoàn trả không gian Điện Kính Thiên là một ý tưởng mang tính cấp thiết, cũng là một thách thức lớn với giới chuyên môn. Ông có thể cho biết rõ hơn về nội dung, mục đích của đề án?


- Điện Kính Thiên là di tích trung tâm trong tổng thể di tích khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, cũng là cung điện quan trọng bậc nhất, nơi cử hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình, nơi đón tiếp sứ giả nước ngoài và là nơi thiết triều bàn những việc quốc gia đại sự. Với ý nghĩa quan trọng đó, quá trình nghiên cứu xây dựng đề án được triển khai qua nhiều giai đoạn từ năm 2008 đến nay, có sự vào cuộc của rất nhiều nhà khoa học, thông qua nhiều buổi hội thảo, tọa đàm… Tôi chỉ xin lưu ý vài điểm: Thứ nhất, đây không phải là dự án, cũng không phải là đề án phục dựng, mà mới chỉ là đề án nghiên cứu phương án, mọi sự mới chỉ dừng ở mức "ra đầu bài", xây dựng những "viên gạch" đầu tiên. Thứ hai, do đây là việc chưa có tiền lệ nên đương nhiên có rất nhiều khó khăn trong quá trình nghiên cứu nhằm xây dựng mô hình, tạo cơ sở khôi phục thực địa. Thứ ba, do Điện Kính Thiên là công trình thuộc khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, một di sản văn hóa thế giới nên tính chân xác, sự thận trọng trong quá trình nghiên cứu, xây dựng mô hình phải được đặt lên hàng đầu.

- Đơn vị tư vấn từng cho rằng, việc nghiên cứu phương án phục dựng phải mất 8-10 năm, nhưng nay việc này được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ với mức thời gian tối thiểu dự kiến là 4 năm. Ông có nghĩ như vậy là quá gấp rút hay không?

- Kinh nghiệm nghiên cứu phục dựng không gian di sản văn hóa của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… cho thấy, thời gian nghiên cứu có thể là 10 năm, 20 năm hoặc ngắn hơn, tùy thuộc vào quan điểm nghiên cứu phục dựng và vốn tư liệu có sẵn của từng công trình cụ thể. Vì vậy, dù thời gian nghiên cứu "gói" trong bao nhiêu năm thì điều quan trọng là chúng ta phải nhanh chóng bắt tay vào làm. Tôi nghĩ, do đây là giai đoạn nghiên cứu nên quan trọng là phải có tư liệu, càng tập hợp được nhiều càng tốt. Nếu việc nghiên cứu điều tra thực địa, khai quật khảo cổ học gặp may mắn, có kết quả sớm thì mọi việc sẽ thuận hơn rất nhiều.

- Tại sao phạm vi thời đại của đề án nghiên cứu lại tập trung vào triều Lê - thời Lê Trung hưng, thay vì nghiên cứu tổng thể trên cả chiều thời gian, không gian qua hàng nghìn năm lịch sử, thưa ông?

- Đúng là trong nghiên cứu phương án phục dựng, cái khó nhất chính là thể hiện được chiều thời gian thông qua các tầng lớp di tích chồng lấp lên nhau. Tuy nhiên, đề án nghiên cứu được tập trung vào các triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn và các triều đại có liên quan; trong đó, chủ trương tập trung nghiên cứu vào triều Lê - thời Lê Trung hưng vì đó là thời chúng ta có nhiều tư liệu nhất, nền điện vẫn còn, chưa kể là chúng ta có nhiều công trình kiến trúc gỗ thời Lê ở các vùng khác để so sánh, đối chiếu, nghiên cứu phương án phục dựng.

- Qua chia sẻ của đơn vị tư vấn, có thể thấy việc huy động kinh phí xã hội hóa cho đề án không phải là vấn đề quá khó. Vậy, đâu mới là cái khó nhất trong quá trình thực hiện đề án?

- Đó là ý kiến của đơn vị tư vấn. Theo tôi, trong giai đoạn nghiên cứu, việc kinh phí thực hiện đề án được cấp từ ngân sách nhà nước (trong đó, kinh phí nghiên cứu chuẩn bị và lập đề án khoảng 1,983 tỷ đồng) là rất cần thiết. Còn ở giai đoạn sau, khi đã có kết quả nghiên cứu, đề xuất phương án khôi phục không gian Điện Kính Thiên, lập dự án - phương án huy động thêm nguồn kinh phí xã hội hóa là việc nên làm. Đây là việc quan trọng ở một công trình có giá trị toàn cầu nên cái khó nhất chính là công tác chuyên môn, chứ không phải vấn đề kinh phí.

- Từng nghiên cứu đơn lẻ là một chuyện, để đạt được sự thống nhất về quan điểm chuyên môn giữa các nhà nghiên cứu văn hóa, sử học, khảo cổ học lại là điều không dễ…?

- Như đã nói, đây là việc trọng nên tôi tin các nhà khoa học, chuyên gia về di sản luôn sẵn lòng tham gia. Điều quan trọng là các ý kiến không chỉ dừng ở lời nói, ý tưởng, mà sẽ được thể hiện trên mô hình khôi phục không gian 2D, 3D, phim, hình ảnh minh họa, các bản vẽ, mô hình thử nghiệm tổng quan… Vai trò của chủ đầu tư và đơn vị tư vấn chính là tạo sự kết nối giữa các nhóm chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành trong nước và quốc tế.

Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa là mọi sự mới ở bước khởi đầu. Vì chưa có tiền lệ nên chúng ta phải vừa làm vừa gỡ khó, đi từng bước thận trọng để có thể ra được sản phẩm cuối cùng là mô hình thực tế theo công nghệ, vật liệu thích hợp với truyền thống, tạo tiền đề, cơ sở khoa học cho các cơ quan có thẩm quyền ra quyết định hợp lý…

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Một số thông tin về đề án
- UBND thành phố phê duyệt đề án vào ngày 9-3-2015, tại Quyết định số 1045/QĐ-UBND. Chủ đầu tư là Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội; đơn vị tư vấn là liên danh Công ty TNHH MTV MQL và các đối tác - Hội Khảo cổ Việt Nam.

- Đề án nhằm sưu tầm, khảo cứu tư liệu, khảo sát, học tập kinh nghiệm, thực hiện công tác khai quật khảo cổ; định hướng nghiên cứu toàn diện và chi tiết không gian Điện Kính Thiên một cách khoa học, xác thực nhằm tạo tiền đề, cơ sở khoa học để báo cáo đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định phương án phục dựng, khôi phục không gian Điện Kính Thiên trên thực địa.

- Lộ trình thực hiện đề án qua 3 giai đoạn, gồm nghiên cứu tổng quan (giai đoạn 1), nghiên cứu cấu trúc cơ bản (giai đoạn 2) và nghiên cứu chi tiết (giai đoạn 3).


(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tính chân xác phải đặt lên hàng đầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.