Kinh thành Thăng Long xưa là kinh đô lớn và quan trọng bậc nhất của quốc gia Đại Việt. Những di tích vật chất ở Khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long mới cho thấy một phần lịch sử, còn những hiểu biết về giai đoạn trước đó vẫn là một ẩn số.
Từ những hiện vật khảo cổ học được tìm thấy dưới lòng đất cùng với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, Viện Nghiên cứu Kinh thành (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã bước đầu đưa tới cho công chúng chiếc “chìa khóa” để mở cánh cửa quá khứ bằng việc giải mã hình thái kiến trúc của điện Kính Thiên thời Lê sơ - tòa điện quan trọng nhất của Cấm thành Thăng Long xưa.
“Chìa khóa” giải mã bí ẩn
Điện Kính Thiên là tòa điện thiết triều nằm giữa trung tâm Cấm thành của Kinh đô Thăng Long thời Lê sơ, được vua Lê Thái Tổ xây dựng năm 1428, sau khi đánh thắng quân Minh (1407 - 1427), lên ngôi hoàng đế và tái thiết Kinh đô Thăng Long. Điện Kính Thiên đóng vai trò quan trọng nhất trong khu vực Cấm thành, là nơi diễn ra các nghi thức quan trọng của quốc gia.
Trải qua nhiều biến động lịch sử, điện Kính Thiên dần mất đi vị thế và trở thành hành cung của các vua nhà Nguyễn (năm 1816), rồi được đổi tên là điện Long Thiên (năm 1841). Năm 1886, điện Long Thiên bị phá hủy để xây tòa nhà Ban chỉ huy pháo binh của quân đội Pháp. Dấu tích hiện còn của điện Kính Thiên là thềm bậc đá chạm rồng trong khuôn viên Khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long.
Để tìm bằng chứng khoa học trong việc nghiên cứu điện Kính Thiên, từ năm 2011 đến nay đã diễn ra hàng chục cuộc khai quật khảo cổ xung quanh khu vực này. Kết quả nghiên cứu đã cung cấp thêm nhiều tư liệu khoa học tin cậy, trong đó, phát hiện quan trọng nhất là dựa trên các cấu kiện gỗ tìm thấy, có thể nhận định hình thái kiến trúc đặc trưng của điện Kính Thiên là kiến trúc đấu củng.
Theo PGS.TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành, kiến trúc đấu củng là hình ảnh biểu trưng cho kiến trúc cung đình của các triều đại quân chủ ở khu vực Đông Á. Kiểu kiến trúc này xuất hiện ở Trung Quốc hơn 2.500 năm trước và đã ảnh hưởng sang các nước đồng văn ở Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Tuy nhiên, khái niệm “kiến trúc đấu củng” khá xa lạ ở Việt Nam do các kiến trúc cung điện từ thế kỷ X - XVIII không còn tồn tại. Trong khi đó, những kiến trúc gỗ truyền thống hiện còn đều là kiến trúc tôn giáo, kiến trúc dân gian có kết cấu bộ khung kiểu kẻ truyền hay chồng rường giá chiêng.
May mắn là, sự hiện diện của kiến trúc đấu củng tại gác chuông chùa Keo (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), đình Tây Đằng (huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội), điện Thánh chùa Bối Kê (huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội)... đã cho thấy, loại hình kiến trúc này từng tồn tại trong lịch sử, và đó là “chìa khóa” giải mã bí ẩn hình thái kiến trúc điện Kính Thiên.
Phác họa "chân dung” điện Kính Thiên
Từ những nghiên cứu dấu tích kiến trúc đấu củng gỗ đào được tại phía đông điện Kính Thiên và so sánh với các nước Đông Á, các nhà khoa học nhận định rằng, kiến trúc đấu củng thời Lê sơ có cấu trúc tương đồng với kiến trúc cung điện cổ ở Bắc Kinh (Trung Quốc) thời Minh. Ngoài ra, họ còn phát hiện các loại bình áng, xà góc, rui hiên, thượng lương... là những cấu kiện liên quan đến kết cấu bộ khung giá đỡ mái và hình thái bộ mái của công trình kiến trúc đấu củng.
Các cấu kiện gỗ còn lưu dấu vết sơn son và vàng thật trên các họa tiết, cho thấy kiến trúc cung điện thời Lê sơ từng được thiết kế công phu, trang trí cầu kỳ với nhiều màu sắc lộng lẫy, mang vẻ quyền uy, thịnh vượng của vương triều và tương đồng với các cung điện ở Đông Á như Cố cung Bắc Kinh (Trung Quốc) hay Changdeokgung (Seoul, Hàn Quốc).
PGS.TS Bùi Minh Trí cho biết, từ những phát hiện về kiến trúc đấu củng và căn cứ trên những hiện vật khảo cổ tìm thấy tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, có thể nhận định về bộ mái và phần ngói lợp điện Kính Thiên. Đó là loại ngói lưu ly màu vàng và xanh lục bên cạnh ngói đất nung (màu xám, đỏ) mang phong cách đặc trưng, khác biệt so với ngói thời Lý, Trần. Bên cạnh đó, thời Lê sơ còn có loại ngói rồng được tạo khối theo từng bộ phận, gồm đầu, thân, đuôi.
“Đây là loại ngói độc đáo nhất trong các loại ngói lợp mái cung điện cổ ở châu Á thời bấy giờ, mang lại một sắc thái riêng biệt và đầy tính sáng tạo của kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lê sơ. Bộ mái kiến trúc điện Kính Thiên được thiết kế theo kiểu trùng diêm yết sơn đỉnh - loại mái hông có hai đầu hồi và là đặc trưng của kiến trúc cung điện cổ ở Đông Á” - ông Trí chia sẻ.
Dựa trên việc nghiên cứu so sánh với kiến trúc cung điện ở Trung Quốc và Hàn Quốc, có thể xác định rằng, kiến trúc điện Kính Thiên được xây dựng theo quy tắc chung của các cung điện cổ. Căn cứ trên kích thước của thềm bậc đá chạm rồng ở Hoàng thành Thăng Long, các nhà nghiên cứu tính được gian chính của điện Kính Thiên có chiều rộng 4,80m, gian hai bên rộng 4,20m; số gian chiều ngang là 9 (7 gian, 2 chái), chiều sâu là 6 gian, diện tích khoảng 1.188m2 và có tổng cộng 60 cột gỗ.
Từ các số liệu trên, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã từng bước giải mã và phục dựng hình thái kiến trúc điện Kính Thiên. Đó là một tòa điện được xây dựng trên cấp nền cao, phía trước có thềm bậc đá chạm rồng gồm 11 bậc, chia làm 3 lối đi: Lối chính giữa dành cho vua, hai bên dành cho các quan đại thần. Chính giữa phía sau và hai bên nền điện có các thềm bậc đơn bằng đá chạm rồng. Trên thềm điện có lan can đá bao quanh kiến trúc gỗ sơn son. Điện Kính Thiên có quy mô lớn...
Khi công nghệ song hành
Đánh giá cao sự nỗ lực và tâm huyết của các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Kinh thành, Tiến sĩ Đặng Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chia sẻ: “Những nghiên cứu này tuy mới là bước đầu nhưng đã góp phần giải mã được hình thái kiến trúc điện Kính Thiên từng tồn tại 6 thế kỷ trước, cho thấy trình độ phát triển cao về văn hóa, nghệ thuật kiến trúc và quy mô hoành tráng của cung điện Việt Nam trong quá khứ. Những nghiên cứu công phu của các nhà khoa học đã khơi dậy cho chúng ta niềm tự hào về quá khứ vàng son của cha ông để từ đó tiếp nối truyền thống, phát huy vị thế của mình trong tương lai”.
Dựa trên những tư liệu, hiện vật và nghiên cứu khoa học, công chúng có thể hình dung một cách cụ thể về hình thái kiến trúc điện Kính Thiên qua những thước phim được trình chiếu bằng công nghệ 3D mapping hay mô hình được phục dựng và trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội. Đóng góp vào thành công ấy có sự tham gia của các họa sĩ trẻ tràn đầy tâm huyết với di sản.
Giám đốc Công ty TNHH C.M.Y.K Phạm Trung Hưng chia sẻ: “Đây là dự án vô cùng thú vị. Chúng tôi may mắn khi được đồng hành cùng các nhà khoa học, được tiếp cận với nguồn tư liệu của Viện Nghiên cứu Kinh thành trong suốt 5 năm để tìm hiểu về điện Kính Thiên. Khó khăn lớn nhất trong quá trình làm việc là những hạn chế về nguồn tư liệu khảo cổ và đòi hỏi kiến thức sâu rộng trong lĩnh vực này thì mới có thể hiện thực hóa những nghiên cứu của các nhà khoa học thành thước phim, mô hình cụ thể thông qua công nghệ in, trình chiếu 3D mapping”.
Hiện nay, xu hướng sử dụng công nghệ hiện đại để làm tăng sức hấp dẫn của di sản đang được nhiều điểm đến, di tích áp dụng và mang lại hiệu quả đáng kể.
Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà cho rằng: Việc sử dụng các công nghệ hiện đại như 3D mapping hay thực tế ảo là cách nhanh nhất để đưa di sản đến với công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Sự sáng tạo trên nền tảng công nghệ góp phần làm cho các hiện vật, tư liệu vốn khô cứng trở nên hấp dẫn và dễ tiếp cận hơn, qua đó giúp giới trẻ thêm hiểu, thêm tự hào về di sản của cha ông. Mở được cánh cửa quá khứ sẽ giúp người ta trân trọng những giá trị của hiện tại để hướng tới tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.