Văn hóa

Giải mã bí ẩn kiến trúc điện Kính Thiên

Linh Tâm 27/11/2023 - 22:32

Theo thông tin từ Viện Nghiên cứu Kinh thành (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), ngày 29-11, tại Bảo tàng Hà Nội, diễn ra trưng bày “Giải mã bí ẩn kiến trúc điện Kính Thiên”.

Trưng bày nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng Kỷ niệm 70 năm thành lập Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (2/12/1953 - 2/12/2023), do Viện Nghiên cứu Kinh thành phối hợp Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội tổ chức.

dien-kthien.jpg
Hình thái kiến trúc điện Kính Thiên được phục dựng. Ảnh: Bùi Minh Trí.

Từ năm 2011 đến nay, đã có hàng chục cuộc khai quật khảo cổ diễn ra tại khu vực điện Kính Thiên. Kết quả khai quật và nghiên cứu khảo cổ học cho thấy nhiều phát hiện mới giá trị, cung cấp thêm nhiều tư liệu khoa học tin cậy cho việc nghiên cứu phục dựng hình thái kiến trúc của điện Kính Thiên.

Điện Kính Thiên là tòa điện thiết triều, nằm ở trung tâm Cấm thành của kinh đô Thăng Long thời Lê sơ. Đây là nơi diễn ra các nghi thức quan trọng nhất của Đại Việt như lễ đăng cơ (Hoàng đế lên ngôi), lễ đại triều... Tòa điện này được vua Lê Thái Tổ khởi dựng năm 1428 và được sử dụng làm nơi thiết triều cho đến tận thời Mạc (1527 - 1593) và Lê Trung hưng (1593 - 1789).

Năm 1886, khi Pháp chiếm Hà Nội, điện Long Thiên (đổi từ Kính Thiên dưới thời Thiệu Trị) bị phá hủy để xây tòa nhà của quân đội Pháp. Dấu tích lưu lại những ký ức vàng son của điện Kính Thiên còn lại trên mặt đất ngày nay là thềm bậc đá chạm rồng đã trở thành bảo vật quốc gia.

ket-cau-bo-dau-cung.jpg
Kết cấu bộ đấu củng - "chìa khoá" giải mã hình thái kiến trúc điện Kính Thiên. Ảnh: Bùi Minh Trí

PGS.TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành cho biết, sau nhiều năm nghiên cứu, các nhà khảo cổ học đã tìm ra được những tư liệu tin cậy và xác thực chứng minh rằng, kiến trúc điện Kính Thiên thuộc loại kiến trúc đấu củng. Đây là “chìa khóa” quan trọng cho hành trình nghiên cứu giải mã bí ẩn về hình thái kiến trúc điện Kính Thiên.

Từ đây, các nhà khoa học đã bước đầu phục dựng lại được hình thái của điện Kính Thiên với bộ mái kiểu trùng diêm yết sơn đỉnh - bộ mái đẳng cấp cao nhất của hệ thống cung đình các nước ở khu vực Đông Á. Mái điện Kính Thiên được lợp bằng ngói rồng - loại ngói độc đáo nhất trong các cung điện cổ ở châu Á thời bấy giờ. Điều đó cho thấy sắc thái rất riêng biệt và tính sáng tạo của kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lê sơ.

ngoi-rong.jpg
Ngói rồng - loại ngói đặc sắc lợp trên điện Kính Thiên. Ảnh: Bùi Minh Trí

Đồng thời, các nghiên cứu so sánh cấu kiện gỗ và các loại ngói lợp mái cho thấy, kiến trúc điện Kính Thiên được thiết kế, xây dựng rất công phu, trang trí cầu kỳ và tráng lệ theo nghi thức cung đình với nhiều màu sắc lộng lẫy, mang vẻ đẹp quyền uy và thịnh vượng của vương triều, mang nét tương đồng với các cung điện nổi tiếng nhất ở Đông Á cùng thời như Cố cung Bắc Kinh (Trung Quốc) hay Changdeokgung (Seoul - Hàn Quốc).

cac-loai-cau-kien-go.jpg
Các loại cấu kiện gỗ của kiến trúc đấu củng. Ảnh: Bùi Minh Trí

Tại trưng bày lần này, Viện Nghiên cứu Kinh thành sẽ giới thiệu đến công chúng các tư liệu, hiện vật, mô hình kiến trúc kết hợp với công nghệ trình chiếu mapping, media về thành tựu nghiên cứu giải mã hình thái kiến trúc điện Kính Thiên dựa trên kết quả nghiên cứu khảo cổ học, sử học và nghiên cứu so sánh với hệ thống kiến trúc cung điện cổ ở Đông Á.

Bên cạnh đó, trưng bày “Giải mã bí ẩn Kiến trúc điện Kính Thiên” còn nhằm quảng bá những thành tựu nghiên cứu khoa học xã hội và đóng góp của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong nghiên cứu khoa học khu di tích Hoàng thành Thăng Long sau hơn 20 năm; đồng thời giúp người dân Thủ đô hình dung rõ hơn về vẻ đẹp độc đáo, tráng lệ của kiến trúc điện Kính Thiên thời Lê sơ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải mã bí ẩn kiến trúc điện Kính Thiên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.