(HNM) - Thiếu hiểu biết, hám lợi, nhiều người vẫn tiếp tay, tạo cơ hội cho
Người dân Hà Nội hẳn chưa quên những vụ vỡ nợ hàng loạt gây chấn động xảy ra cách đây 5 năm như: Vụ vỡ nợ của cặp vợ chồng Quang - Quyên (thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng) với số tiền khoảng 300 tỷ đồng; cặp vợ chồng Quang - Ngừng (huyện Phú Xuyên), số tiền cỡ 200 tỷ đồng; vụ Nguyễn Thị Cúc (huyện Phú Xuyên) lừa đảo chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng… Các đối tượng đã bị khởi tố nhưng "di chứng" vẫn còn hành hạ hàng nghìn hộ dân và tiểu thương.
Cứ ngỡ những vụ vỡ hụi đó sẽ là bài học xương máu cho nông dân. Thế nhưng hiện nay, "tín dụng đen" vẫn len lỏi ở các làng quê dưới nhiều hình thức khác nhau. Mới đây tại xóm Bến, xã Cao Dương (Thanh Oai) đã xảy ra một vụ vỡ “họ” với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Số tiền không lớn so với các vụ vỡ nợ trước đây, nhưng đó là cả khoản tiền bao năm ky cóp, tiết kiệm của nhiều người dân.
Bà Nguyễn Thị H. kể: “Nhóm ngồi khâu nón gồm mấy chục chị em đều ở xóm Bến, thu nhập trung bình dăm bảy chục nghìn đồng/người/ngày. Mọi người rủ nhau chơi “phường”, cóp nhặt để cho một người khác đứng ra vay với lãi suất cao hơn ngân hàng, với 12 đến 13%/tháng. Thấy hời, nhiều người có đồng nào là cho vay đồng đó, thậm chí cả tiền con cháu ở thành phố biếu để bồi bổ sức khỏe cũng góp vào “phường”. “Phường” chơi được hơn 2 năm với số tiền hơn 1 tỷ đồng cho gia đình chị P. vay, nay chị P. tuyên bố phá sản, vỡ nợ, chỉ biết nuốt nước mắt, chẳng biết kêu ai" - bà H. nói.
Hay trên địa bàn huyện Chương Mỹ, vừa qua lại rúng động vụ nhiều hộ dân ở thị trấn Xuân Mai và các xã lân cận mất gần một trăm tỷ đồng do gom tiền cho hai doanh nghiệp buôn bán vàng trên địa bàn vay. Các đối tượng chiếm dụng vốn đã có sự đầu tư, chuẩn bị rất kỹ lưỡng để thực hiện hành vi phạm tội của mình. Hình thức “sổ tiền gửi” hay “sổ tiết kiệm” mà chính các đối tượng tự sản xuất có vẻ bề ngoài giống với các cuốn sổ tiết kiệm do ngân hàng phát hành…, nhưng thực chất chỉ là biến tướng của hoạt động "tín dụng đen".
Khi vụ việc vỡ lở, các con nợ mất khả năng thanh toán thì người dân lĩnh hậu quả. Qua điều tra, cơ quan công an phát hiện hai doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc tại huyện Chương Mỹ huy động trái phép tiền của người dân và đã có trên 400 người gửi tiền lên tới hơn 90 tỷ đồng. "Tín dụng đen" là giao dịch ngầm giữa chủ nợ và các con nợ, nên có những khoản vay lên tới cả tỷ đồng nhưng chỉ qua giao kèo viết tay. Nhiều chủ nợ dù đã viết đơn tố cáo cũng không thể chứng minh được nguồn gốc các khoản tiền ghi trong giấy cầm cố...
Những hệ lụy từ tín dụng đen đang gây mất trật tự và đe dọa ổn định xã hội. Lực lượng chức năng và chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao hiểu biết pháp luật, cảnh giác trước những phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo dụ dỗ tham gia hoạt động “tín dụng đen”...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.