Góc nhìn

Cảnh giác với "tín dụng đen"

Gia Khánh 21/12/2023 - 06:43

Cuối năm, khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao cũng là dịp nạn “tín dụng đen” lại hoành hành. Đáng nói, “tín dụng đen” không phải là vấn đề mới, đã được cảnh báo từ lâu, nhưng vẫn có nhiều người “sập bẫy”.

Nguyên do trước hết là thủ tục vay rất dễ dàng, không cần thế chấp, không cần thủ tục xét duyệt, giải ngân nhanh nên nhiều người chấp nhận vay với lãi suất cao “cắt cổ”. Thứ hai, người vay “tín dụng đen” chủ yếu là lao động có thu nhập thấp không đủ điều kiện tiếp cận tín dụng ngân hàng, ít hiểu biết về pháp luật. Thứ ba, “tín dụng đen” len lỏi khắp nơi, núp bóng dưới hình thức tiệm cầm đồ, công ty tài chính; được quảng cáo qua tờ rơi, website, app…, người dân chỉ cần liên hệ qua số điện thoại là được tiếp cận.

Đặc biệt, “tín dụng đen” qua app ngày càng tinh vi, cơ quan chức năng rất khó kiểm soát. Thậm chí, có ứng dụng giả danh ngân hàng, quảng cáo lãi suất thấp 0%, nhưng chỉ ít ngày sau, người vay bị yêu cầu trả gốc và lãi suất rất cao, nếu không trả được thì bị đe dọa.

Hệ lụy của “tín dụng đen” không chỉ dừng ở việc đe dọa, khủng bố tinh thần mà còn gây mất an ninh trật tự xã hội. Việc các tổ chức, cá nhân cho vay cao gấp nhiều lần quy định thực chất là hành vi vi phạm pháp luật, kéo theo đó là các băng nhóm “xã hội đen” chuyên đi đòi nợ, hình thành nên các tổ chức tội phạm. Thời gian qua, cơ quan chức năng đã điều tra, triệt phá nhiều ổ nhóm tội phạm “tín dụng đen” như vậy.

Để loại bỏ vấn nạn này, trước hết cần phải tiếp tục tuyên truyền để người dân nhận diện chiêu thức, không bị “sập bẫy tín dụng đen”, nhận thức rõ hơn sự nguy hiểm của "vay nặng lãi" và biết rõ khi có nhu cầu thì cần vay ở đâu, thủ tục thế nào, trách nhiệm đối với khoản vay ra sao… Tại hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu rà soát, nâng cao chất lượng hoạt động của các công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô… nhằm tăng khả năng cung ứng vốn chính thức, góp phần loại bỏ “tín dụng đen”.

Dịp cuối năm, khi nguy cơ “tín dụng đen” gia tăng, cơ quan công an cần mở các chuyên đề điều tra, xử lý cho vay nặng lãi núp bóng cầm đồ, công ty tài chính, nhất là qua các app trên internet. Cùng với đó, các cấp chính quyền, ngành, đoàn thể; đặc biệt là ở tổ dân phố, thôn, xóm cần tham gia giám sát hoạt động này, bóc xóa tờ rơi quảng cáo cho vay có dấu hiệu lừa đảo; cung cấp ngay thông tin cho cơ quan công an khi phát hiện hành vi cho vay lãi suất cao, đe dọa đòi nợ, gây rối trật tự… trên địa bàn.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cần xây dựng những chương trình cho vay đa dạng, dành cho mọi đối tượng, trong đó lưu ý đối tượng là người lao động ở các khu công nghiệp; giảm lãi suất, đơn giản thủ tục để người dân dễ tiếp cận, thụ hưởng. Thực tế, nhiều chương trình cho vay tín chấp thông qua các tổ chức, đoàn thể địa phương đã phát huy hiệu quả, giúp các hộ gia đình có vốn kinh doanh, đồng thời ngăn chặn nạn “tín dụng đen”.

Người dân có nhu cầu vay vốn cần chủ động tìm hiểu kỹ tổ chức cho vay, lãi suất, thủ tục, thời hạn vay; lựa chọn đơn vị uy tín, có đầy đủ thông tin như tên doanh nghiệp, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, chính sách cho vay cụ thể… Đặc biệt lưu ý, theo quy định, lãi suất cho vay tối đa không vượt quá 20%/năm, do đó cho vay với lãi suất vượt gấp nhiều lần, đe dọa, khủng bố, bắt giữ người để đòi nợ… đều là hành vi vi phạm pháp luật, cần trình báo ngay cơ quan công an.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác với "tín dụng đen"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.