Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện, xử lý 12 vụ với 43 đối tượng vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” (10 vụ với 33 đối tượng cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; 2 vụ với 10 đối tượng cưỡng đoạt tài sản); đã khởi tố 12 vụ với 43 bị can.
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Báo cáo số 412/BC-UBND về công tác triển khai và kết quả thực hiện Công điện số 766/CĐ-TTG về tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen” tháng 9, tháng 10-2023 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện, xử lý 12 vụ với 43 đối tượng vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” (10 vụ với 33 đối tượng cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; 2 vụ với 10 đối tượng cưỡng đoạt tài sản); đã khởi tố 12 vụ với 43 bị can.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an thành phố đã rà soát, lập danh sách 4 băng nhóm tội phạm có tổ chức, 20 đối tượng; 3 nhóm, 12 đối tượng chưa đủ tiêu chí và 143 đối tượng hình sự có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen” để lên kế hoạch đấu tranh, triệt phá trong đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Trong kỳ báo cáo, đã bắt, khởi tố 1 băng nhóm tội phạm có tổ chức, 9 đối tượng; hiện còn 3 băng nhóm, 16 đối tượng.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 766 cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính tiềm ẩn nhiều phức tạp về an ninh trật tự, dễ bị lợi dụng hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”. Qua kiểm tra, nhìn chung các cơ sở chấp hành tốt các quy định về quản lý an ninh trật tự đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Bên cạnh kết quả đạt được, báo cáo nhìn nhận, việc quản lý hoạt động của các công ty kinh doanh dịch vụ cầm đồ còn nhiều hạn chế dẫn đến tình trạng các đối tượng lách luật, biến tướng hoạt động cho vay, không cầm cố tài sản theo quy định nhưng vẫn chưa có giải pháp giải quyết triệt để.
Việc bảo vệ bí mật dữ liệu cá nhân còn hạn chế, tình trạng lộ lọt dữ liệu khách hàng, người dân về thông tin cá nhân, tài chính, thuế, viễn thông dẫn đến tình trạng các đối tượng mua bán, sử dụng thông tin cá nhân để gọi điện mời chào vay, đòi nợ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Công tác triển khai thực hiện các nhiệm vụ về tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen” của các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã còn mang tính hình thức, công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, chưa hướng đúng đối tượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.