Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tìm giải pháp hạn chế tái nghèo

Mai Hoa| 04/01/2023 06:14

(HNM) - Xóa đói giảm nghèo là mục tiêu xuyên suốt, quan trọng của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình xây dựng đất nước. Để giảm thiểu tình trạng các nhóm đối tượng yếu thế rơi vào tình trạng nghèo đói, nhiều khuyến nghị, giải pháp đã và đang được Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nghiên cứu, tập hợp, triển khai thực hiện, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu giảm nghèo bền vững, giảm nghèo đa chiều, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo.

Đại diện các cơ quan chức năng tặng quà Tết cho người có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Gia Lâm. Ảnh: Minh Vũ

Những thách thức đặt ra trong công tác giảm nghèo

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ mục tiêu tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm từ 1 đến 1,5% hằng năm, với nhiệm vụ trọng tâm là triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bền vững, bao trùm và tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Quốc hội đã phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, ngành tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ toàn diện cho người dân như hỗ trợ bảo hiểm y tế; miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; hỗ trợ tiền điện, trợ giúp pháp lý; hỗ trợ đào tạo nghề, kết nối việc làm; hỗ trợ nhà ở, nước sạch và vệ sinh...

Theo Phó Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Nguyễn Lê Bình, trong năm 2022, Chính phủ đã bố trí khoảng 23.000 tỷ đồng để thực hiện các chính sách giảm nghèo thường xuyên. Nhằm huy động nguồn lực góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, trong 10 tháng đầu năm 2022, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã chủ trì phối hợp với các cấp, ngành vận động ủng hộ số tiền là 6.360 tỷ đồng cho Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội. Đặc biệt, phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động được triển khai sâu rộng, góp phần khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Tô Đức, thách thức lớn nhất hiện nay là kết quả giảm nghèo của Việt Nam chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo, phát sinh nghèo và tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn còn cao. Công tác rà soát, tích hợp văn bản chính sách giảm nghèo, chuyển đổi phương thức hỗ trợ từ “cho không” sang hỗ trợ có điều kiện còn chậm; chưa có chính sách đặc thù đối với hộ nghèo không có khả năng lao động; một số địa phương còn để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách. Đặc biệt, công tác tuyên truyền nhằm khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo chưa được chú trọng tại một số địa phương, vẫn tồn tại tình trạng một bộ phận người dân có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng.

Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tiếp nhận ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” năm 2022. Ảnh: Nguyên Hoa

Khuyến nghị các giải pháp nhằm giảm nghèo bền vững

Những thách thức nêu trên đòi hỏi phải tìm kiếm các giải pháp thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thái Lan, Phó Trưởng khoa Xã hội học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), công tác xã hội có ưu thế đặc biệt, với khả năng cung cấp các dịch vụ trực tiếp cho cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng người nghèo; kết nối chương trình, dịch vụ; giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, bảo đảm quyền lợi cho người nghèo. Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thái Lan, cần phải thay đổi cách tiếp cận dựa trên sự tham gia, nhu cầu của người nghèo, tạo môi trường nắm lấy cơ hội và được hòa nhập. Đồng thời, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cá nhân, nhóm và cộng đồng người nghèo, giúp họ nhận thức được vấn đề, đánh giá nhu cầu. Hỗ trợ tổ chức các hoạt động, khích lệ người nghèo tham gia giảm nghèo bền vững theo mô hình nhóm tự giúp, nhóm thoát nghèo, nhóm kinh tế hộ. Nâng cao kiến thức, tập huấn cho cán bộ địa phương có phương pháp đánh giá, giao tiếp, hiểu người nghèo, làm nhịp cầu nối với người nghèo.

Là người đang theo học ngành công tác xã hội, em Đỗ Thu Thủy, sinh viên K67 Khoa Xã hội học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn chia sẻ: “Nhận thức được vai trò của cá nhân đối với xã hội, bản thân em đã tham gia vào hai chương trình tình nguyện là “Đông ấm Lào Cai” và “Tết đong đầy” do Khoa Xã hội học tổ chức. Trong thời gian tới, em sẽ tham gia thêm nhiều chương trình, hoạt động tình nguyện để góp một phần nào đó vào sự phát triển của cộng đồng và xã hội”.

Để thực hiện được mục tiêu đến năm 2025, mỗi năm giảm bình quân 1,5 triệu người nghèo, Phó Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo Nguyễn Lê Bình cho rằng, cần đổi mới thực chất cách tiếp cận trong giảm nghèo bằng các chính sách hỗ trợ có điều kiện, phát triển tín dụng chính sách xã hội, giảm hỗ trợ cho không, có chính sách trợ giúp hộ nghèo không có khả năng lao động bảo đảm mức sống tối thiểu sau khi tách ra khỏi diện hộ nghèo để hưởng chính sách bảo trợ xã hội.

Còn theo Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Tô Đức, cần chú trọng giải pháp hỗ trợ người nghèo trong đào tạo nghề nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất, có việc làm, sinh kế, đất sản xuất, nhà ở, nâng cao thu nhập và hoàn thành cơ bản việc xóa nhà tạm, nhà đơn sơ, thiếu kiên cố trên phạm vi cả nước. Cùng với đó, cần tập trung hoàn thiện phương pháp đo lường nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm giải pháp hạn chế tái nghèo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.