Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp tục triển khai hiệu quả nhiệm vụ chiến lược "tam nông"

Đặng Văn Cảnh| 10/10/2015 06:30

(HNM) - Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Đảng ta nhấn mạnh:


Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Đảng đã ra Nghị quyết chuyên đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nghị quyết đã khẳng định: "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước". Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta tiếp tục đưa ra những quan điểm chỉ đạo đối với vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn "phát triển nông - lâm - ngư nghiệp toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với giải quyết tốt vấn đề nông dân, nông thôn".

Những chủ trương của Đảng và Nhà nước về vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nhất là chủ trương xây dựng nông thôn mới là hoàn toàn đúng, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Sau 30 năm đổi mới những thành tựu trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn không chỉ góp phần quan trọng vào việc ổn định chính trị - xã hội nông thôn và nâng cao đời sống nông dân mà còn tạo thêm những tiền đề vật chất cần thiết, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta trong giai đoạn hiện nay vẫn tồn tại nhiều hạn chế và yếu kém như trong Dự thảo Báo cáo trình Đại hội XII của Đảng đã nêu: Nông nghiệp phát triển còn kém bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm dần, sức cạnh tranh thấp, chênh lệch giàu, nghèo giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng còn lớn, phát sinh nhiều vấn đề xã hội bức xúc… Đứng trước những hạn chế và yếu kém, cũng như thời cơ và thách thức đặt ra những yêu cầu đổi mới cho sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta.

Trong Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 Đảng đã đề ra những nhiệm vụ chiến lược và giải pháp nhằm cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới như: Tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và cải thiện đời sống của nông dân; đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa lớn; bảo đảm phát triển bền vững, an ninh lương thực quốc gia…

Song, để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, dự thảo báo cáo cần tập trung làm rõ những giải pháp về chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn; giải pháp về hướng bao tiêu đầu ra cho sản phẩm của nông nghiệp; giải pháp về công nghiệp chế biến sản phẩm cho nông nghiệp... Đặc biệt là có giải pháp chính sách để thực hiện có hiệu quả, bền vững các tiêu chí của nông thôn mới.

Cùng với đó là những quan điểm, giải pháp chỉ đạo đồng bộ để thực hiện, phấn đấu đến năm 2020 khoảng 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (dự thảo báo cáo đã nêu), nếu không sẽ không đạt được mục tiêu đề ra. Bởi lẽ, tại hội nghị sơ kết của Ban Chỉ đạo trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã đánh giá sau 5 năm thực hiện đến nay cả nước còn 5 tỉnh "trắng" xã nông thôn mới và trong 11 xã được Trung ương chọn làm "điểm" về xây dựng nông thôn mới, đến nay vẫn có xã chưa đạt. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục triển khai hiệu quả nhiệm vụ chiến lược "tam nông"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.