Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi

Hương Thủy| 11/12/2022 06:25

(HNM) - Nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sau hai năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2022, nhiều chính sách hỗ trợ đã được triển khai. Trong đó, các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí có quy mô lên đến khoảng 233 nghìn tỷ đồng. Nhờ vậy, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế chung. Dự báo, năm 2023, doanh nghiệp còn gặp không ít khó khăn nên các chính sách hỗ trợ vẫn cần được tiếp tục thực hiện.

Trong năm 2022, số tiền Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh lên đến 233 nghìn tỷ đồng. Trong ảnh: Sản xuất tôn tại Công ty TNHH Ngọc Dần (huyện Thanh Trì). Ảnh: Quang Thái

Hỗ trợ thuế, phí lên tới 233 nghìn tỷ đồng

Ước tính, các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong năm 2022 có quy mô lên đến khoảng 233 nghìn tỷ đồng - con số cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, số tiền gia hạn thuế và tiền thuê đất khoảng 135 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, thuế, phí, lệ phí là 98 nghìn tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 11-2022, tổng số tiền thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí đã được miễn, giảm, gia hạn khoảng 186,7 nghìn tỷ đồng. Trong đó, số tiền gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước là khoảng 105.900 tỷ đồng; số tiền miễn, giảm thuế, phí, lệ phí khoảng 80.800 tỷ đồng (khoảng 47.803 tỷ đồng miễn, giảm thuế theo các chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, khoảng 26.308 tỷ đồng giảm thuế bảo vệ môi trường các mặt hàng xăng, dầu…).

Thực tế, các chính sách trên được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam Đặng Văn Sơn, việc giảm thuế giá trị gia tăng giúp doanh nghiệp hạ giá thành sản phẩm, kích cầu tiêu dùng. Việc gia hạn các loại thuế và tiền thuê đất đã hỗ trợ các doanh nghiệp có nguồn vốn để tái sản xuất. Bên cạnh đó, chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu đã giữ giá mặt hàng này ổn định, góp phần giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, ổn định các mặt hàng tiêu dùng trong nước. “Các chính sách tài khóa thể hiện rõ quan điểm và mục tiêu hỗ trợ của Nhà nước đối với các doanh nghiệp, qua đó giúp doanh nghiệp phục hồi và tạo đà cho nền kinh tế tăng trưởng”, ông Đặng Văn Sơn nhấn mạnh.

Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cũng cho rằng, chính sách tài chính được đánh giá là nhanh, kịp thời, đóng góp rất quan trọng cho sự phục hồi của nền kinh tế. Dù mức độ thực hiện có khác nhau, song doanh nghiệp tiếp cận về thuế, phí là nhanh nhất và trên diện rộng nhất. Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhìn nhận, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát huy hiệu quả đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước trong năm 2022. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III-2022 của Việt Nam đạt 13,67% so với cùng kỳ năm trước, là mức cao nhất cùng kỳ trong vòng 12 năm trở lại đây. Nhờ đó, tăng trưởng kinh tế năm 2022 dự kiến vượt mục tiêu.

Vẫn cần được tiếp sức

Năm 2023, dự báo doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn bởi kinh tế thế giới có thể tiếp tục trì trệ, lạm phát tương đối cao, khả năng đứt gãy chuỗi cung ứng, giá xăng, dầu biến động khó lường… Trong khi đó, nhiều chính sách hỗ trợ sẽ kết thúc vào cuối năm 2022, như chính sách gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất, giảm 2% thuế giá trị gia tăng, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu. Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đề xuất tiếp tục có một gói hỗ trợ giãn, hoãn, giảm thuế, phí cho doanh nghiệp, đồng thời phối hợp tốt các chính sách bình ổn giá cả, tạo dư địa cho doanh nghiệp tăng trưởng. Còn ông Đậu Anh Tuấn đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu các chính sách nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, như tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng bởi đây là nhóm chính sách quan trọng.

Về phía doanh nghiệp, ông Đặng Văn Sơn cho rằng, các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp đã được áp dụng tốt trong thời gian qua nên cần được tiếp tục thực hiện, cùng với đó là xem xét mở rộng thêm đối tượng, thời gian hỗ trợ phù hợp. Ngoài ra, cũng cần tập trung cải thiện, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và thực hiện nghiêm các chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm.

Tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về thủ tục chính sách thuế, hải quan năm 2022 diễn ra tháng 11 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp. Được biết, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo lần 2 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2023. Cơ quan quản lý này đề xuất điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn áp dụng trong năm 2023 như năm 2022 nhằm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.