Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí để Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết việc giảm tiền thuê đất năm 2024.
Theo chuyên gia và doanh nghiệp, đây là giải pháp hỗ trợ thiết thực bởi có tác động nhanh, góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển.
Dự kiến giảm 4.000 tỷ đồng tiền thuê đất
Theo Tờ trình của Chính phủ, đối tượng áp dụng là người sử dụng đất đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định cho thuê đất hoặc hợp đồng thuê đất hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hằng năm đang có hiệu lực trong năm 2024.
Trường hợp trong năm 2024, người sử dụng đất chưa hoàn thành thủ tục pháp lý về đất đai nhưng đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị giảm tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định này đã hoàn thiện thủ tục pháp lý về đất đai (có Quyết định cho thuê đất hoặc Hợp đồng thuê đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất dưới hình thức trả tiền thuê đất hằng năm) thì thuộc đối tượng được giảm tiền thuê đất.
Chính phủ đề nghị giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2024. Mức giảm tiền thuê đất quy định được tính trên số tiền thuê đất phải nộp của năm 2024. Không thực hiện giảm trên số tiền thuê đất còn nợ của các năm trước năm 2024 và tiền chậm nộp (nếu có). Trường hợp người sử dụng đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định hoặc/và khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật về tiền thuê đất thì mức giảm tiền thuê đất quy định được tính trên số tiền thuê đất phải nộp (nếu có) sau khi đã được giảm hoặc/và khấu trừ theo quy định của pháp luật.
Dự kiến, số tiền thuê đất giảm là khoảng 4.000 tỷ đồng (tương đương số tiền thuê đất dự kiến giảm của năm 2023 với mức giảm 30% trên phạm vi cả nước), tương ứng với 0,26% tổng thu ngân sách nhà nước/năm và 9% số thu ngân sách nhà nước từ tiền thuê đất một năm (tính theo số liệu năm 2023).
Đây không phải lần đầu tiên chính sách này được đề xuất. Trước đó, Chính phủ đã ban hành các nghị định giảm tiền thuê đất trong các năm 2020-2023. Số tiền thuê đất được giảm năm 2020-2023 trung bình là 2.890 tỷ đồng, còn từ 2021-2023 là 3.734 tỷ đồng/năm, qua đó góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo Bộ Tài chính, số tiền thuê đất giảm theo chính sách này không ảnh hưởng đáng kể đến số thu ngân sách nhà nước nói chung, song sẽ có tác động lớn tới việc phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp; từ đó tăng thu ngân sách từ thuế để bù đắp cho số giảm thu do giảm tiền thuê đất.
Giải pháp hiệu quả
Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín Nguyễn Văn Được đánh giá, đây là giải pháp rất hiệu quả. Qua nhiều năm thực hiện, chính sách giảm tiền thuê đất có tác động rất lớn tới phục hồi, phát triển kinh tế, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.
”Tiền thuê đất là một khoản chi phí đáng kể, được tính là chi phí đầu vào của doanh nghiệp, đầu vào của sản xuất, kinh doanh. Như vậy, khi giảm tiền thuê đất có nghĩa chi phí đầu vào được giảm, qua đó doanh nghiệp có thể giảm giá thành hàng hóa tương ứng với 30% của số tiền thuê đất này”, ông Nguyễn Văn Được nói.
Về tác động, khi thực hiện giảm tiền thuê đất, tức là chi phí đầu vào của doanh nghiệp được giảm, làm cho giá thành hàng hóa giảm theo. Việc giảm giá thành hàng hóa sẽ kích cầu tiêu dùng của người dân, điều này cũng giúp kiểm soát lạm phát được tốt hơn. Giảm tiền thuê đất cũng làm tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, đây cũng là giải pháp góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Do đó, đây là chính sách rất cần thiết đối với doanh nghiệp và người dân trong giai đoạn hiện nay.
Về phía doanh nghiệp, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Mạc Quốc Anh cho rằng, việc tiếp tục giảm tiền thuê đất trong năm 2024 thể hiện sự quan tâm thiết thực của Nhà nước đối với cộng đồng doanh nghiệp. Trong những năm qua, chính sách giảm 30% tiền thuê đất đã mang lại tác động tích cực, có doanh nghiệp được hưởng lợi lên tới hàng tỷ đồng. Số tiền được giảm này không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn mà còn được sử dụng hiệu quả vào các mục tiêu như trả lương, giữ chân người lao động, đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
“Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức, chính sách hỗ trợ như vậy càng trở nên cần thiết, giúp doanh nghiệp ổn định và phát triển bền vững. Nếu chính sách này tiếp tục được duy trì trong năm 2025, đặc biệt khi mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay được đặt ra là trên 8%, thì sẽ tạo thêm xung lực mới cho khu vực doanh nghiệp tư nhân - lực lượng đóng góp lớn cho Tổng sản phẩm nội địa (GDP) và tạo nhiều việc làm cho xã hội”, ông Mạc Quốc Anh nhận định.
Một số chuyên gia cho rằng, Nghị định quy định chi tiết việc giảm tiền thuê đất năm 2024 là chính sách tác động nhanh và hiệu quả đến nền kinh tế. Vì vậy, chính sách cần sớm được ban hành, bởi đã sắp hết quý I-2025.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.