Những tháng đầu năm, tín dụng tăng khá mạnh so với kỳ vọng. Song khi những chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ được công bố, toàn bộ nền kinh tế, trong đó có ngành Ngân hàng phải chuẩn bị mọi phương án nhằm ứng phó tốt nhất. Để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vay vốn, ngân hàng đang triển khai nhiều chính sách cũng như các gói vay ưu đãi.
Quý I-2025 tín dụng tăng 3,93%
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết quý I, tăng trưởng tín dụng đạt 3,93% gấp 2,5 lần so với mức 1,42% cùng kỳ năm trước, cho thấy đóng góp tích cực tổng đầu tư toàn xã hội trong thời gian vừa qua của ngành Ngân hàng.
Mặt bằng lãi suất huy động mới gần như không thay đổi chỉ tăng 0,08%/năm, trong khi mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm 0,4%/năm so với cuối năm 2024.
Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xây dựng gói tín dụng ưu đãi khoảng 500.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng và công nghệ số, khuyến khích đầu tư để tăng trưởng và giải phóng nguồn lực xã hội.
“Liên quan đến các khó khăn và thách thức hiện nay, đặc biệt là tác động từ chính sách thuế mới của Mỹ, nhiều doanh nghiệp và lĩnh vực kinh tế trọng yếu đang bị ảnh hưởng, kéo theo tác động đến người lao động. Vì vậy, việc triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng và các chính sách hỗ trợ kịp thời là rất cấp bách. Với tinh thần đó, ngành Ngân hàng thống nhất triển khai chương trình này theo tinh thần chỉ bàn làm, không bàn lùi”, ông Đào Minh Tú nêu.
Thực tế, hiện các ngân hàng đang tham gia tài trợ nhiều dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia. Cụ thể, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã tham gia tài trợ dự án đường dây truyền tải điện Lào Cai - Vĩnh Yên, Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4, Sân bay quốc tế Long Thành. Trong khi Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) cũng tài trợ các dự án hạ tầng như BOT, sản xuất, truyền tài điện, trong đó gần đây nhất tham gia tài trợ một phần dự án đường dây 500kV.
Đại diện các ngân hàng thương mại cũng khẳng định, các ngân hàng đều nhất trí chủ về chủ trương triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng. Đồng loạt các ngân hàng đang xây dựng nhiều gói cho vay ưu đãi với doanh nghiệp để có thể sớm triển khai trong thời gian tới, trong đó, hài hòa giữa mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, phát huy hiệu quả nguồn vốn nhưng bảo đảm an toàn hoạt động.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều áp lực từ các yếu tố khách quan, vấn đề mà nhiều doanh nghiệp quan tâm chính là lãi suất. Đại diện nhiều ngân hàng thương mại chủ động xác định và công khai mức lãi suất áp dụng, phương thức tính lãi suất đối với khách hàng vay vốn theo Chương trình trong từng thời kỳ trên tinh thần hỗ trợ khách hàng giảm chi phí vốn nhằm góp phần tháo gỡ và thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, công nghệ số.
Thời gian giải ngân của các gói tín dụng ưu đãi có thể đến năm 2030 hoặc đến khi giải ngân hết chương trình tín dụng, tùy theo thời điểm nào đến trước.
Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Phùng Thị Bình khẳng định, ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là về lãi suất. Lãnh đạo VIB cũng cho hay, ngân hàng sẵn sàng triển khai gói tín dụng 5.000 - 10.000 tỷ đồng, với lãi suất ưu đãi thấp hơn khoảng 1% so với mặt bằng thông thường, nhằm đồng hành cùng các chính sách trọng điểm của Nhà nước.
Tổng Giám đốc Vietcombank Lê Quang Vinh nhấn mạnh, ngành Ngân hàng xác định tín dụng là công cụ hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để ngân hàng có thể tham gia hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng và công nghệ số, nhất là doanh nghiệp công nghệ đổi mới sáng tạo, cần xem xét xây dựng cơ chế góp vốn và chia sẻ lợi ích, thay vì áp dụng hình thức cho vay truyền thống.
Bên cạnh sẵn sàng nguồn vốn cho vay các đối tượng khách hàng ưu tiên theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng cũng sẽ chủ động có các chính sách hỗ trợ rất sớm cho khách hàng chịu tác động của chính sách thuế mới của Mỹ.
Với những trường hợp bị ảnh hưởng rộng, một số ngân hàng kiến nghị có cơ chế cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, đồng thời miễn giảm lãi suất, phí để chia sẻ khó khăn với khách hàng.
Không chỉ chuẩn bị về nguồn vốn, một số ngân hàng đã cung cấp các giải pháp tài chính linh hoạt đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua thách thức chung của nền kinh tế. Trong đó có các giải pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá thông qua các hợp đồng kỳ hạn, hoán đổi ngoại tệ, giúp doanh nghiệp chủ động trong kế hoạch tài chính.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi nếu lạm phát kiểm soát ở mức thấp có thể linh hoạt điều chỉnh tăng trưởng tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đổi mới mô hình giao dịch theo hướng tăng hàm lượng số hóa các giao dịch để giảm chi phí hoạt động, giảm tiếp lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.