(HNM) - Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mới đây đã công bố cải tổ nội các với thành phần gồm 19 người, trong đó có nhiều gương mặt được tái bổ nhiệm. Động thái này diễn ra trong bối cảnh chính phủ của ông S.Abe đang phải đối mặt với lạm phát, khủng hoảng.
Trong chiến dịch cải tổ nội các, ông Fumio Kishida đã thôi chức Bộ trưởng Ngoại giao kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, chuyển sang đảm nhận vị trí Chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu chính sách của đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền. Ông Taro Kono, vốn nổi tiếng vì có mối quan hệ chặt chẽ với Washington, giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao; còn ông Itsunori Onodera đảm nhận vị trí Bộ trưởng Quốc phòng, thay cho nguyên Bộ trưởng Tomomi Inada vừa từ chức hồi tuần trước. Cựu Bộ trưởng Nông, Lâm, Ngư nghiệp Yoshimasa Hayashi sẽ đảm nhận vị trí Bộ trưởng Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ. Ở nhóm các gương mặt mới, ông Masaji Matsuyama, Chủ tịch Ủy ban của LDP phụ trách các vấn đề Quốc hội tại Thượng viện lần đầu tiên tham gia nội các với vị trí Bộ trưởng phụ trách Cải cách phương thức làm việc và xã hội công dân năng động. Một điểm đáng chú ý là sự hiện diện của hai gương mặt nữ, gồm Bộ trưởng Tư pháp Yoko Kamikawa và Bộ trưởng Các vấn đề đối nội Seiko Noda (thay thế bà Sanae Takaichi).
Nội các mới trình diện tại Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản trong ngày công bố. |
Theo Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga, đợt cải tổ này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai chiến lược kinh tế “Abenomics”, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an ninh quốc gia. Thủ tướng S.Abe tuyên bố: "Kinh tế vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu của nội các mới và cam kết sẽ chấm dứt lạm phát thông qua việc tăng tốc chu kỳ kinh tế". Việc người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản duy trì Bộ trưởng Kinh tế Toshimitsu Motegi, vốn là người từng tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cho thấy thị trường tự do vẫn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Nhật Bản.
Giới chuyên môn cho rằng để vực dậy nền kinh tế, bộ máy điều hành mới của nước Nhật phải có được sự tin cậy cao từ phía người dân. Thời gian qua, các thăm dò cho thấy tỷ lệ ủng hộ chính quyền của ông S.Abe đã giảm xuống mức kỷ lục dưới 30%, sau hàng loạt bê bối của nội các và thất bại trong đợt bầu cử ở Thủ đô Tokyo. Mức uy tín thấp nhất kể từ khi nhà lãnh đạo này quay trở lại ghế Thủ tướng (tháng 12-2012) sẽ đe dọa trực tiếp tới đề xuất sửa đổi Hiến pháp và lời hứa vực dậy nền kinh tế của ông. Đó là chưa kể tới những mục tiêu đối ngoại khá phức tạp mà Nhật Bản đang mong muốn giải quyết lúc này, ví dụ như vấn đề tên lửa Triều Tiên, chủ nghĩa bảo hộ kinh tế của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump... Trong bối cảnh ấy, việc bổ nhiệm các chính trị gia ôn hòa, có thâm niên và có tầm ảnh hưởng vào các vị trí quan trọng được đánh giá là hướng đi ít rủi ro, tạo ra tiền đề thúc đẩy các cải cách khác cho nước Nhật.
Bên cạnh cải tổ nội các, ông S.Abe cũng điều chỉnh một số vị trí trong Ban lãnh đạo LDP cầm quyền. Tuy nhiên, hầu hết các vị trí chủ chốt trong đảng đều được giữ nguyên, bao gồm cả Tổng Thư ký Toshihiro Nikai và Phó Chủ tịch Masahiko Komura. Như vậy, thay đổi đáng chú ý nhất của LDP chính là nhiệm vụ mới của ông F.Kishida, người được cho là ứng cử viên sáng giá của chiếc ghế Chủ tịch LDP trong tương lai.
Việc cải tổ nội các lần này của Nhật Bản được coi là "cú hích" để tạo đà tăng trưởng nhưng để đánh giá được tính hiệu quả thì phải chờ một thời gian khá dài. Chỉ khi đội ngũ nhân sự mới xắn tay, chung sức cùng ông S.Abe nâng cao đời sống người dân đất nước hoa anh đào, đó mới là một cuộc cải tổ thành công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.