(HNM) - Thời gian qua, nhất là giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thương mại điện tử phát triển mạnh, cho thấy ưu thế vượt trội, giúp duy trì chuỗi cung ứng tiêu dùng, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế. Để phát huy vị thế khi nền kinh tế dần hồi phục sau dịch, ngành thương mại điện tử đang nỗ lực phát triển theo chiều sâu, đổi mới phương thức kinh doanh, gia tăng giá trị... Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Nguyễn Ngọc Dũng để làm rõ nội dung này.
- Ông đánh giá thế nào về thị trường thương mại điện tử hai năm qua?
- Thời gian qua, thương mại điện tử Việt Nam phát triển nhanh, thu hút được sự quan tâm của người dân. Cộng đồng doanh nghiệp đã nhận thấy lợi ích của thương mại điện tử và nỗ lực chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dịch vụ để nắm bắt cơ hội kinh doanh. Thương mại điện tử theo đó đã bùng nổ, gia tăng số lượng người mua, người bán.
Trong năm 2021, lần đầu tiên các sàn thương mại điện tử đã đưa hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, nông sản, thực phẩm lên "chợ" trực tuyến qua đó tiếp cận lượng khách hàng lớn. Bên cạnh những khách hàng trẻ, đến nay những người lớn tuổi, các bà nội trợ… cũng tham gia mua sắm trực tuyến.
- Các doanh nghiệp đã có bước thích ứng với thương mại điện tử ra sao, thưa ông?
- Hầu hết doanh nghiệp đã nhận thức, nếu không thích ứng với bối cảnh mới, tiếp cận thương mại điện tử thì sẽ mất thị phần trên thị trường. Thương mại điện tử là hướng đi tất yếu để doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch Covid-19. Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ hiện đại và công cụ hỗ trợ trên sàn thương mại điện tử đã đáp ứng nhu cầu kinh doanh của các doanh nghiệp.
Có thể thấy, sau thời gian thị trường thương mại điện tử phát triển theo chiều rộng, đa số tập trung vào những giải pháp bán hàng nhanh, thì hiện nay thị trường đã phát triển chuyên sâu hơn. Doanh nghiệp nhận thức rõ cần phải giữ chân khách hàng bằng cách nâng cao dịch vụ hậu mãi, chăm sóc khách hàng ngay cả trên môi trường số. Các giải pháp phần mềm bán hàng trực tuyến đã cung cấp công cụ để doanh nghiệp, người bán hàng quản lý đơn hàng, khách hàng thuận tiện hơn, qua đó có thể dễ dàng tiếp cận, chăm sóc khách hàng tốt hơn.
- Theo ông, thương mại điện tử xuyên biên giới hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của Việt Nam như thế nào?
- Theo thống kê, có 18% doanh nghiệp có sử dụng website, ứng dụng thương mại điện tử để phục vụ cho mục đích xuất, nhập khẩu. Tỷ lệ này trong nhóm doanh nghiệp lớn cao gấp đôi so với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phần lớn doanh nghiệp đều đánh giá việc sử dụng website, ứng dụng thương mại điện tử phục vụ cho hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa là tương đối hiệu quả.
Những năm qua, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam rất quan tâm tới thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa qua nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới. Tuy nhiên, phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới còn gặp những rào cản về dịch vụ logistics, xử lý thủ tục thông quan hàng hóa với chi phí vận hành tối ưu; việc thực hiện giao kết hợp đồng hay những hạn chế trong việc đáp ứng chất lượng, mẫu mã, nhu cầu các thị trường…
- Liên quan tới vấn nạn hàng giả, hàng nhái… trên thương mại điện tử, Hiệp hội có khuyến cáo gì với các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử, thưa ông?
- Chúng tôi thường xuyên khuyến cáo các doanh nghiệp không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ xuất xứ… trên thương mại điện tử. Thực tế, các doanh nghiệp đã dành nhiều công sức, nguồn lực để đầu tư, quảng bá, xây dựng và phát triển thương hiệu, ghi dấu ấn với khách hàng mà kinh doanh hàng hóa không bảo đảm chất lượng, xuất xứ thì sớm muộn cũng bị phát hiện, xử lý và bị người tiêu dùng tẩy chay. Hiện nay, người dân ngày càng tiêu dùng, mua sắm thông minh hơn, biết tự bảo vệ mình hơn đồng thời cũng biết tìm đến các cơ quan chức năng để tố giác sản phẩm, hàng hóa gian dối trên thương mại điện tử, do đó các doanh nghiệp cần tuân thủ kinh doanh đúng pháp luật, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.
- Với đà phát triển như hiện nay, ông kỳ vọng gì về tương lai thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam?
- Ước tính năm 2021, lĩnh vực thương mại điện tử đạt tốc độ tăng trưởng trên 20% và đạt quy mô trên 16 tỷ USD. Nhờ kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 và những động lực tăng trưởng của thương mại điện tử năm 2021, dự kiến tốc độ này sẽ cao hơn nhiều trong năm 2022 và cả giai đoạn đến năm 2025.
Động lực phát triển thương mại điện tử thời gian tới đến từ việc các doanh nghiệp, nhà bán hàng, sàn thương mại điện tử không ngừng đổi mới phương thức kinh doanh, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng khiến ngày càng nhiều người tiêu dùng mua sắm trực tuyến. Đồng thời, đông đảo người mua đã trở thành người tiêu dùng thông minh, thành thạo kỹ năng mua sắm trực tuyến hơn. Dù còn nhiều thách thức nhưng mức độ phát triển thương mại điện tử ở các địa phương đang được cải thiện, thương mại điện tử được kỳ vọng không chỉ tăng trưởng ở khu vực thành thị mà cả ở khu vực nông thôn trong thời gian tới.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.