Doanh nghiệp

Bình tĩnh ứng phó

Sơn-Hiền

Mấy ngày qua, cộng đồng doanh nghiệp lo ngại về việc Mỹ-thị trường có sức mua hàng đầu thế giới sẽ áp dụng thuế suất đối ứng, ở mức cao hơn hẳn với hàng hóa của nhiều quốc gia. Trong đó Việt Nam không phải là ngoại lệ. Vấn đề đặt ra là cách tiếp cận, đánh giá tình hình cũng như tìm phương cách giải quyết, ứng phó hợp lý nhất để phòng tránh thiệt hại, đồng thời duy trì nhịp độ xuất khẩu nói chung.

5-10-sx-ao-vest.jpg
Dây chuyền sản xuất veston May10. Ảnh: N.T

Theo cơ quan thương vụ Việt Nam tại Mỹ, mức thuế 46% của Mỹ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là cao so với các nước khác, nhất là các quốc gia trong khu vực cũng như các quốc gia cùng xuất khẩu vào Mỹ.

Trong đó, một số nhóm hàng hóa vốn có thế mạnh trong xuất khẩu vào thị trường này như đồ gỗ, dệt may, nhựa, thủy sản, giầy dép, hàng điện tử… sẽ chịu tác động mạnh nhất, đe dọa đến lợi ích của nhiều đơn vị sản xuất hàng xuất khẩu.

Hơn nữa, qua tình huống bất lợi này, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khốc liệt hơn với doanh nghiệp của các nước khác cũng xuất khẩu mặt hàng tương tự vào thị trường Mỹ.

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận xét, hoạt động thương mại hàng hoá giữa Việt Nam và Mỹ là động lực tăng trưởng quan trọng đối với kinh tế Việt Nam.

Thặng dư thương mại hàng hoá của Việt Nam với Mỹ chiếm gần 25% GDP của nước ta. Vì vậy, với mức thuế quan đối ứng 46% mà Mỹ công bố đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực và tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.

Trong khi đó, bà Trịnh Thị Ngân, cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội xác nhận, chính sách thuế nói trên khiến chi phí của doanh nghiệp tăng cao, dẫn đến suy giảm sức cạnh tranh.

Mặt khác, vấn đề này cũng không thể giải quyết thỏa đáng, triệt để trong một sớm một chiều.

Trong bối cảnh bất lợi, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang bình tĩnh tìm cách ứng phó. Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giầy-Túi xách Việt Nam, doanh nghiệp không nên quá hoang mang, cần bình tĩnh nhìn nhận bản chất vấn đề nhằm tìm cách ứng phó.

Phân tích thêm, một số chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang là nguồn cung khá tin cậy và đã hiện diện sâu vào chuỗi cung ứng tại thị trường Mỹ. Thậm chí, thách thức trên có thể là cơ hội để các doanh nghiệp tái cấu trúc quá trình sản xuất, tăng hiệu quả lao động, phát triển thị trường mới. Chắc chắn các doanh nghiệp sẽ phải có giải pháp để tiếp tục duy trì sản xuất, cũng như tối ưu hóa hơn nữa quy trình sản xuất, từng bước cân bằng chi phí.

Trên thực tế, không thể có “mẫu số chung” cho tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu trong cách ứng phó, nhưng vẫn có các ý kiến, sự gợi ý về định hướng ứng phó, giải quyết vấn đề một cách phù hợp, linh hoạt để giảm thiểu thiệt hại, tìm cách vượt qua thách thức. Hơn thế là quyết tâm giữ đà tăng trưởng trong xuất khẩu nói chung.

Đó là Việt Nam cần tận dụng, khai thác hiệu quả các cơ chế hợp tác, thỏa thuận song phương với Mỹ, đồng thời tăng cường mở cửa nhập khẩu một số loại hàng hóa của Mỹ phù hợp với nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Các doanh nghiệp nên chủ động nhóm họp, trao đổi thông tin, tham vấn trong khuôn khổ của hiệp hội ngành hàng để tìm hiểu kỹ tình huống đang đối diện, sẵn sàng hợp tác và xác định phương cách giải quyết.

Doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng cần chuẩn bị các kịch bản ứng phó khác nhau và tìm kiếm giải pháp để duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường Mỹ. Chính phủ có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và tiến hành đàm phán sớm với Mỹ về việc điều chỉnh mức thuế đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Cùng với đó, cần có chiến lược chuyển dịch cơ cấu hàng hoá xuất khẩu bên cạnh việc tập trung vào việc giảm nhập siêu dịch vụ.

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm gợi ý, để bù đắp mức thiệt hại, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp khai thác hiệu quả, tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại tự do đã ký để gia tăng xuất khẩu thay thế sự suy giảm đối với thị trường Mỹ.

"Doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác các thị trường tiềm năng như Nga, Australia, NewZealand cũng như tận dụng lộ trình giảm thuế thông qua FTA đã ký với EU để tăng cường xuất khẩu…", ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty May Hưng Yên nêu ý kiến.

Doanh nghiệp cũng có thể chủ động cắt giảm chi phí sản xuất và quản trị, tổ chức sản xuất hợp lý và nỗ lực đáp ứng tốt hơn yêu cầu khắt khe từ các đối tác nhập khẩu để duy trì uy tín, thương hiệu cũng như tiến bộ hơn, từ đó củng cố chỗ đứng trên thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường đã ký FTA như một giải pháp thay thế một phần của thị trường Mỹ.

Từ góc độ cơ quan quản lý, đại diện Bộ Công Thương cho hay đang nỗ lực tìm cách giải quyết vấn đề. Thời điểm này cần bình tĩnh tìm biện pháp xử lý tổng thể và toàn diện, chưa vội bàn đến việc điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình tĩnh ứng phó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.