Kinh tế

Thuế quan 46% – Cú huých để Việt Nam chuyển mình và vươn lên

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng

Thép chỉ thành gươm khi được tôi trong lửa đỏ. Quốc gia cũng chỉ trưởng thành khi vượt qua nghịch cảnh. Việc Hoa Kỳ áp mức thuế đối ứng lên tới 46% đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam là một cuộc thử lửa như vậy. Nhưng thay vì lo sợ hay than phiền, đây chính là lúc để Việt Nam chuyển mình, bứt phá và vươn lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

4-4-anhsidung.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng

Theo số liệu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ với kim ngạch lớn. Với mức thuế mới, nhiều sản phẩm sẽ gần như không còn khả năng cạnh tranh về giá.

Tương tự, ngành gỗ – vốn là một trong những thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam – cũng bị ảnh hưởng sâu sắc. Năm qua, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt hơn 16,2 tỷ USD, trong đó riêng thị trường Hoa Kỳ chiếm 56%, tương đương hơn 9,1 tỷ USD. Dệt may cũng đối mặt với nguy cơ tương tự khi kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ chiếm tới 40% toàn ngành, tức hơn 10 tỷ USD.

Chính sách áp thuế đối ứng 46% của chính phủ Mỹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu, sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam sang thị trường Mỹ, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các ngành sử dụng nhiều lao động, như gỗ, dệt may, gây tâm lý bất ổn và ảnh hưởng đến đầu tư cũng như tăng trưởng chung…

Điều này không chỉ cảnh báo trước sự suy giảm đơn hàng, mất thị phần hay đứt gãy chuỗi cung ứng – mà còn gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng: Việt Nam cần chuyển từ mô hình sản xuất phụ thuộc sang làm chủ chuỗi giá trị, nếu muốn vững bước trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, trong thách thức luôn ẩn chứa cơ hội. Và trong cơn lửa thử vàng này, Việt Nam hoàn toàn có thể bứt phá nếu hành động quyết liệt và đúng hướng.

Trước hết, đây là lúc để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Năm 2022, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên CPTPP đạt hơn 104,5 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm trước. Các hiệp định EVFTA, UKVFTA và RCEP cũng mở ra cánh cửa rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam bước chân vào những thị trường có tiêu chuẩn cao nhưng nhiều tiềm năng.

Đồng thời, Việt Nam cần tận dụng thời điểm này để đẩy mạnh tái cấu trúc mô hình tăng trưởng, chuyển từ “lắp ráp, gia công” sang “đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, xanh và bền vững”. Những yêu cầu khắt khe từ Hoa Kỳ về truy xuất nguồn gốc, kiểm soát xuất xứ, tiêu chuẩn lao động và môi trường sẽ không còn là rào cản nếu chúng ta biết xem đó là động lực để nâng cấp toàn bộ chuỗi sản xuất.

Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp khó, thị trường trong nước – với hơn 100 triệu dân – phải được coi là trụ đỡ chiến lược. Đây là lúc cần phát huy sức mua nội địa, thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt chất lượng cao, đầu tư mạnh cho các ngành công nghiệp nền tảng phục vụ thị trường trong nước, từ đó tạo ra vòng xoay kinh tế khép kín, bền vững hơn trước những biến động bên ngoài.

Năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam đạt hơn 6 triệu tỷ đồng, tăng trên 9,6% so với năm 2022. Con số ấy phản ánh một tiềm năng khổng lồ đang chờ được khai thác sâu hơn, có hệ thống hơn – thay vì để thị trường nội địa bị lãng phí vào hàng nhập khẩu tràn lan hoặc tiêu dùng không định hướng.

Nhà nước cần đóng vai trò “kiến tạo”, chủ động hơn trong đàm phán thương mại, xây dựng năng lực phòng vệ thương mại, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, minh bạch chuỗi cung ứng, phát triển công nghiệp hỗ trợ và công nghệ lõi.

Doanh nghiệp cũng cần đổi mới tư duy – từ “làm thuê” sang “làm chủ”, từ “bán rẻ khối lượng” sang “bán giá trị sáng tạo và bền vững”. Đây không chỉ là con đường để vượt qua khó khăn trước mắt, mà còn là con đường duy nhất để Việt Nam vươn tầm quốc gia sản xuất có trách nhiệm và thương hiệu mạnh trong khu vực.

Nếu tận dụng được cú huých này, Việt Nam không chỉ đứng vững trước những cơn sóng thuế quan, mà còn chuyển mình thành quốc gia sản xuất tự chủ, xanh và thông minh, có khả năng đóng góp thực chất vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Một dân tộc có khát vọng vươn lên sẽ không mãi gia công cho những ước mơ của người khác. Đã đến lúc, Việt Nam cần tự thiết kế ước mơ của chính mình – bằng trí tuệ, bằng bản lĩnh, và bằng nội lực của cả một quốc gia đang trỗi dậy.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thuế quan 46% – Cú huých để Việt Nam chuyển mình và vươn lên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.