Kinh tế

Mỹ áp thuế 46% lên hàng nhập khẩu của Việt Nam:Tác động ngay trong ngày đầu tiên

Khánh An tổng hợp 04/04/2025 - 06:11

Ngày 3-4, ngay sau khi Mỹ công bố áp mức thuế đối ứng 46% với hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam, thị trường Việt Nam ghi nhận những biến động lớn. Tỷ giá giữa đồng USD và VND tăng mạnh theo xu hướng của thị trường thế giới. Giá vàng cũng tăng vọt. Trong khi đó, thị trường chứng khoán ghi nhận sự lao dốc...

da-giay.jpg
Sản xuất giày xuất khẩu tại Công ty TNHH Giày Viễn Thịnh (tỉnh Long An).

Tỷ giá VND/USD tăng mạnh, thị trường chứng khoán lao dốc

Ngày 3-4, tỷ giá trong nước tăng do chịu tác động từ đà tăng của thị trường thế giới khi chiều 2-4 theo giờ Mỹ (tức là rạng sáng 3-4 theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp mức thuế suất rất cao với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó mức thuế đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam là 46%.

Tại Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.854 VND/USD, tăng 3 VND/USD so với ngày 2-4. Như vậy, với biên độ +/-5%, tỷ giá trần ngày 3-4 là 26.097 VND/USD, tỷ giá sàn là 23.611 VND/USD. Tỷ giá tham khảo tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước là 23.662 VND/USD (mua vào) - 26.046 VND/USD (bán ra).

Còn ở các ngân hàng thương mại, tỷ giá USD/VND tăng khá mạnh. Cụ thể là Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) niêm yết tỷ giá ở mức 25.570 VND/USD (mua vào) - 25.930 VND/USD (bán ra), tăng 110 VND/USD ở cả chiều mua và bán so với ngày trước đó. Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) niêm yết tỷ giá là 25.540 VND/USD (mua vào) - 25.900 VND/USD (bán ra).

Mức thuế mới của Mỹ còn khiến giá kim loại quý tăng mạnh. Sáng 3-4, giá vàng trong nước tăng 1 triệu đồng/lượng, lên kỷ lục mới ở sát mốc 103 triệu đồng/lượng. Doanh nghiệp niêm yết vàng miếng SJC ở mức 100,1 triệu đồng/lượng (mua vào) - 102,8 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 1 triệu đồng/lượng mỗi chiều so với cuối ngày hôm trước.

Giá vàng nhẫn cũng tăng mạnh. Mức 102,8 triệu đồng/lượng và 102,9 triệu đồng/lượng là mức kỷ lục mới của giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn.

Trên thị trường chứng khoán, thông tin về mức thuế suất 46% lập tức đã tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư tại thị trường trong nước và lệnh bán được ồ ạt tung ra trong phiên sáng. Nhà đầu tư ồ ạt bán ra khiến hầu hết các mã cổ phiếu giảm giá, trong đó có tới hơn 200 mã giảm kịch sàn, đẩy VN-Index giảm 82 điểm. Ở phiên chiều, thị trường tiếp tục đi xuống. Chốt phiên trên sàn thành phố Hồ Chí Minh, VN-Index giảm tới 87,99 điểm (-6,68%), về 1.229,84 điểm, cũng là mức giảm mạnh nhất từ trước đến nay trên thị trường chứng khoán Việt Nam; VN30-Index dừng ở mức 1.283,18 điểm sau khi mất tới 93,76 điểm (-6,81%). Toàn sàn có gần 40.000 tỷ đồng được giao dịch. Nhà đầu tư nước ngoài mua gần 2.040 tỷ đồng và bán trên 5.674 tỷ đồng.

Trên sàn Hà Nội, HNX-Index về mức 220,95 điểm sau khi giảm 17,18 điểm (-7,22%); HNX30-Index giảm 43,38 điểm (-8,91%), còn 443,43 điểm. Toàn sàn có 14 mã tăng giá, 214 mã giảm giá. Tổng giá trị chuyển nhượng đạt hơn 2.600 tỷ đồng.

Có cần giảm nhanh, mạnh thuế với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ?

Tại họp báo thường kỳ quý I-2025 của Bộ Tài chính, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí Trương Bá Tuấn cho biết, mức thuế 46% sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp, nhất là nhóm ngành có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ lớn, như linh kiện điện tử, hàng dệt may, da giầy.

Trước đó, để chủ động thích ứng, linh hoạt với diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô, tình hình thế giới và mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Bộ Tài chính đã rà soát tổng thể các mức thuế suất thuế nhập khẩu được quy định tại biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, từ đó tham mưu với Chính phủ.

Ngày 31-3-2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2025/NĐ-CP sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của một số mặt hàng tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi tại Nghị định số 26/2023/NĐ-CP, trong đó điều chỉnh giảm đáng kể thuế suất thuế nhập khẩu một số nhóm mặt hàng mà đối tác thương mại lớn của Việt Nam quan tâm, trong đó có Hoa Kỳ.

Nghị định này giảm thuế suất thuế nhập khẩu với 16 nhóm mặt hàng như ô tô, nông nghiệp, gỗ... Việc điều chỉnh thuế suất này nhằm cố gắng cân bằng cán cân thương mại với các đối tác lớn, cũng như giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước tiếp cận thị trường đa dạng với chi phí thấp hơn.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi hy vọng, mức thuế đối ứng vừa được đưa ra là mức tối đa, còn mức cụ thể có thể được xem xét; đồng thời cho biết Việt Nam đã chủ động rà soát điều chỉnh mặt hàng nhập khẩu hướng tới cân bằng thương mại.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, các bên liên quan kiên trì tìm ra giải pháp chia sẻ với đối tác Hoa Kỳ, hướng tới cân bằng thương mại, tức vừa tăng kim ngạch, vừa không tăng thuế để người tiêu dùng hai quốc gia được hưởng lợi.

Theo Bộ Công Thương, ngay sau khi Mỹ thông báo áp thuế 46% đối với tất cả các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, từ ngày 9-4 tới đây, Bộ Công Thương đã có Công hàm đề nghị phía Mỹ tạm hoãn quyết định áp thuế để dành thời gian trao đổi, tìm giải pháp hợp lý cho cả hai bên.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Tiến sĩ Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, để thích ứng với mức thuế này, các doanh nghiệp phải thực hiện loạt giải pháp cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Về ngắn hạn, doanh nghiệp cần đàm phán với các nhà nhập khẩu tại Mỹ để chia sẻ gánh nặng. Cùng với đó, doanh nghiệp cần cắt giảm, tiết kiệm tối đa chi phí để giữ được lợi nhuận và thị trường Mỹ vì đây vẫn là thị trường lớn, tiềm năng.

Về dài hạn, doanh nghiệp cần tiếp tục quá trình cắt giảm chi phí nhiều hơn nữa đồng thời đa dạng hóa thị trường. Chúng ta hiện nay phụ thuộc quá lớn vào thị trường Mỹ với gần 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu, nên rủi ro là khá lớn. Thực tế, các doanh nghiệp đã nỗ lực đa dạng hóa thị trường song cần tăng cường hơn nữa, dù đây là việc tốn kém song phải làm.

Về phía Chính phủ, nên xem xét hạ nhanh, hạ mạnh hơn nữa thuế nhập khẩu với hàng hóa từ Mỹ để tiếp tục thể hiện thiện chí rõ nét của Việt Nam.

Cũng theo Tiến sĩ Lê Quốc Phương, Việt Nam là nền kinh tế có tính bổ sung cho Mỹ, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam không cạnh tranh với hàng hóa của Mỹ nên việc bảo vệ sản xuất trong nước thông qua hạ thuế như vậy là không đáng ngại. Nhìn ra thế giới, ngay từ trước khi Tổng thống Mỹ công bố chính sách thuế, Israel là nước đã nhanh chóng tuyên bố hạ toàn bộ thuế nhập khẩu với hàng hóa từ Mỹ vào nước này về 0%. Việt Nam không nhất thiết phải làm tương tự như vậy, song cần hạ thuế với nhiều nhóm hàng hóa từ Mỹ mà không quá ảnh hưởng tới sản xuất trong nước trong giai đoạn hiện nay.

Ngoài ra, cần sử dụng lợi thế từ mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đang có của Việt Nam với Mỹ để thúc đẩy Mỹ xem xét thiện chí và có thể giảm thuế xuống mức hợp lý trong thời gian tới, dù sớm nhất cũng phải nửa năm.

“Trong bối cảnh này, Chính phủ cần có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trước cú sốc này mà không trái với quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Cùng đó, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, minh bạch môi trường đầu tư kinh doanh, phản ứng nhanh hơn với các tình huống bất lợi. Các biện pháp trên cần được thực hiện một cách quyết liệt và kịp thời hơn để giảm thiểu tác động tiêu cực đến nền kinh tế”, Tiến sĩ Lê Quốc Phương kiến nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỹ áp thuế 46% lên hàng nhập khẩu của Việt Nam: Tác động ngay trong ngày đầu tiên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.