Một trong những giải pháp trọng tâm nhằm ứng phó với chính sách áp thuế 46% lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vừa được Mỹ đưa ra sáng 3-4 (giờ Việt Nam) là giảm nhanh, giảm mạnh thuế với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương).
-Ông đánh giá thế nào về quyết định áp thuế 46% của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam?
-Tôi không bất ngờ trước tuyên bố của Tổng thống Mỹ về chính sách thuế lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu vào nước này, không loại trừ nước nào.
Việt Nam đứng thứ 3 thế giới xuất siêu vào thị trường Mỹ sau Trung Quốc và Mexico, do đó không thể không bị áp thuế. Tuy nhiên tôi ngạc nhiên vì mức thuế mà Mỹ áp đối với hàng hóa Việt Nam lên tới 46%, trong nhóm các nước mức có biên độ thuế lớn nhất.
Vừa qua, Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ động có nhiều động thái tích cực, thiện chí và khá nhanh với đối tác Mỹ. Cụ thể từ giữa tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã cử Bộ trưởng Bộ Công Thương sang Mỹ làm đặc phái viên và đã ký kết các thỏa thuận nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ, đồng thời cam kết tăng mua hàng hóa của Mỹ trong dài hạn, đặc biệt là hàng công nghệ cao.
Cùng đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 73/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung mức thuế suất, thuế nhập khẩu ưu đãi cho một số mặt hàng trong đó có hàng hóa từ Mỹ. Và mới đây ngày 1-4, Bộ Công Thương đã khẩn trương soạn thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược và nhanh chóng công bố để lấy ý kiến rộng rãi nhằm sớm ban hành.
-Theo ông quyết định này sẽ ảnh hưởng ra sao đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ?
-Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta nên quyết định này ảnh hưởng lớn tới các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp FDI bị ảnh hưởng đầu tiên bởi tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp nhóm này rất lớn, tập trung chủ yếu là hàng điện tử, công nghệ cao, điện thoại di động…
Đối với các doanh nghiệp trong nước, lĩnh vực bị ảnh hưởng lớn là nông - lâm - thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, dệt may, da giầy.
Riêng ngành gỗ năm 2024 xuất khẩu ra thế giới khoảng 15 tỷ USD thị trường Mỹ đã hơn 9 tỷ USD, là con số rất lớn.
Và khi doanh nghiệp xuất khẩu bị ảnh hưởng thì toàn bộ nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng theo, vì tăng trưởng kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào xuất khẩu.
-Theo ông doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có thể làm gì để thích ứng với mức thuế này?
-Theo tôi doanh nghiệp phải thực hiện loạt giải pháp cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Về ngắn hạn, doanh nghiệp cần đàm phán với các nhà nhập khẩu tại Mỹ để chia sẻ gánh nặng. Cùng đó doanh nghiệp cần cắt giảm, tiết kiệm tối đa chi phí để giữ được lợi nhuận và thị trường Mỹ vì đây vẫn là thị trường lớn, tiềm năng.
Tôi lưu ý, các doanh nghiệp cũng nên chấp nhận lợi nhuận thấp trong ngắn hạn để tiếp tục có nhiều giải pháp thúc đẩy giảm thuế trong tương lai.
Về dài hạn, doanh nghiệp cần tiếp tục quá trình cắt giảm chi phí nhiều hơn nữa đồng thời đa dạng hóa thị trường. Chúng ta hiện nay phụ thuộc quá lớn vào thị trường Mỹ với gần 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu, nên rủi ro là khá lớn. Thực tế các doanh nghiệp đã nỗ lực đa dạng hóa thị trường song cần tăng cường hơn nữa, dù đây là việc tốn kém song phải làm.
-Theo ông Chính phủ Việt Nam nên có chiến lược gì để bảo vệ doanh nghiệp trong nước trước tác động của chính sách thuế này?
-Như đã nêu trên, vừa qua Chính phủ đã có những phản ứng khá nhanh nhưng theo tôi còn chưa đủ mạnh và chưa đủ nhanh tương ứng với chính sách của Chính quyền Mỹ. Do đó, chúng ta nên xem xét hạ nhanh, hạ mạnh hơn nữa thuế nhập khẩu với hàng hóa từ Mỹ để tiếp tục thể hiện thiện chí rõ nét của Việt Nam.
Việt Nam là nền kinh tế có tính bổ sung cho Mỹ, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam không cạnh tranh với hàng hóa của Mỹ nên việc bảo vệ sản xuất trong nước thông qua hạ thuế như vậy là không đáng ngại.
Nhìn ra thế giới, ngay từ trước khi Tổng thống Mỹ công bố chính sách thuế, Israel là nước đã nhanh chóng tuyên bố hạ toàn bộ thuế nhập khẩu với hàng hóa từ Mỹ vào nước này về 0%.
Việt Nam không nhất thiết phải làm tương tự như vậy, song cần hạ thuế với nhiều nhóm hàng hóa từ Mỹ mà không quá ảnh hưởng tới sản xuất trong nước trong giai đoạn hiện nay.
Thứ hai cần sử dụng lợi thế từ mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đang có của Việt Nam với Mỹ để thúc đẩy Mỹ xem xét thiện chí và có thể giảm thuế xuống mức hợp lý trong thời gian tới, dù sớm nhất cũng phải nửa năm.
Trong bối cảnh này, theo tôi Chính phủ cần có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trước cú sốc này mà không trái với quy định của WTO. Cùng đó, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, minh bạch môi trường đầu tư kinh doanh, phản ứng nhanh hơn với các tình huống bất lợi.
Các biện pháp trên cần được thực hiện một cách quyết liệt và kịp thời hơn để giảm thiểu tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
-Trân trọng cảm ơn ông !
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.