Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thương mại điện tử - nhiều dư địa cho hàng Việt

Thanh Hiền| 26/02/2023 07:31

(HNM) - Những năm gần đây, thương mại điện tử ở Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh và vững chắc, khi người tiêu dùng ngày càng trở nên quen thuộc mô hình mua sắm trực tuyến. Đặc biệt, hàng Việt đã được quảng bá, xuất khẩu thông qua các chương trình hợp tác về thương mại điện tử xuyên biên giới, qua đó góp phần tăng doanh thu bán lẻ tại thị trường trong nước và mở rộng xuất khẩu. Mặc dù vậy, theo các chuyên gia kinh tế, vẫn còn dư địa để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa Việt Nam trên thị trường thương mại điện tử.

Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm trực tuyến. Ảnh: Đỗ Tâm

Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam hiện có gần 75% người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến, thị trường thương mại điện tử sẽ phát triển mạnh trong năm 2023 này khi kinh tế phục hồi sau dịch Covid-19 và hoạt động kinh tế của Trung Quốc mở cửa sau thời gian dài thực hiện chính sách Zero Covid-19. Với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, Việt Nam được Công ty Nghiên cứu thị trường eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Nguyễn Thanh Hưng nhận định, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam có dư địa phát triển khi Chính phủ và các bộ, ngành rất quan tâm đến hoàn thiện thể chế chính sách, đào tạo nhân lực phát triển thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt… Với đà tăng trưởng 2 con số như hiện nay, trong năm 2025 quy mô thị trường được dự báo lên tới 57 tỷ USD.

Cùng quan điểm, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Nguyễn Thị Minh Huyền cho biết, bước vào giai đoạn phục hồi hậu Covid-19, thương mại điện tử đang là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm phát triển thương mại điện tử, nhiều chương trình và giải pháp đã được triển khai, tạo điều kiện hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm Việt, nông sản địa phương trên môi trường trực tuyến. Điển hình, trong năm 2022, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều chương trình kết nối thương mại điện tử, hỗ trợ hàng nghìn lượt doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối hàng hóa và tạo thói quen mua sắm qua thương mại điện tử đối với người tiêu dùng.

Đặc biệt, hàng Việt đã được quảng bá, xuất khẩu thông qua các chương trình hợp tác về thương mại điện tử xuyên biên giới với các đối tác là sàn thương mại điện tử quốc tế lớn như Amazon, Alibaba… để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đẩy mạnh xuất khẩu. Nhờ đó, các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như nông sản thực phẩm chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng công nghiệp tiêu dùng… được xuất khẩu trực tiếp từ doanh nghiệp sản xuất đến thị trường của nhiều quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, theo Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương) Nguyễn Thị Minh Thảo, trở ngại lớn nhất của thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn là môi trường chính sách pháp luật.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Hưng, mặc dù tăng trưởng khá tích cực, song thị trường thương mại điện tử của Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều trở ngại lớn trong các vấn đề: Thanh toán trực tuyến, hoàn tất đơn hàng, thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển nguồn nhân lực, chênh lệch khoảng cách tiếp cận thương mại điện tử giữa các địa phương và môi trường chính sách và pháp luật, thói quen dùng tiền mặt, lòng tin của khách hàng vào các sản phẩm được bán trực tuyến...

Liên quan đến chính sách cho doanh nghiệp hoạt động thương mại điện tử, Giám đốc Trung tâm tin học và công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) Lê Đức Anh cho rằng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử còn hạn chế.

Để tháo gỡ những vướng mắc về thuế cho doanh nghiệp, thúc đẩy thị trường thương mại điện tử phát triển, ngày 30-10-2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 91/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19-10-2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế. Nghị định đã đưa ra các điểm sửa đổi chính tập trung vào các nội dung về khai thuế thu nhập cá nhân của tổ chức, cá nhân không phát sinh việc khấu trừ thuế thu nhập cá nhân; trách nhiệm của tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam là chủ sở hữu sàn thương mại điện tử...

Mặt khác, để kích thích thương mại điện tử phát triển, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ cần có những cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp; hoàn thiện hạ tầng pháp lý; hạn chế sử dụng tiền mặt trong giao dịch điện tử...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thương mại điện tử - nhiều dư địa cho hàng Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.