Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thuốc mới có đẩy lùi bệnh cũ?

Thế Phương| 10/04/2014 05:55

(HNM) - Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) thay thế Ban Chỉ đạo 127 Trung ương (các tỉnh, thành phố cũng thành lập ban chỉ đạo này) và ngày 8-4, Ban Chỉ đạo 389 đã họp phiên thứ nhất dưới sự chủ trì của Trưởng ban - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.



Nhiều vấn đề được đặt ra với một cách nhìn thẳng thắn: Cuộc đấu tranh chống hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại chưa đạt yêu cầu đề ra, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế đất nước, làm thất thu ngân sách, tác động tiêu cực đến cuộc sống hằng ngày của người dân và đi liền với đó là tham nhũng, tiêu cực...

Buôn lậu, gian lận thương mại đã trở thành vấn nạn làm nhức nhối xã hội suốt nhiều năm qua và điều đáng nói, cho đến hôm nay vấn nạn này vẫn chưa thuyên giảm, nếu không muốn nói đang có dấu hiệu gia tăng ở cả tính chất phức tạp và mức độ nguy hại. Vì sao như vậy? Theo một vị đại biểu Quốc hội, biện pháp chống buôn lậu chủ yếu là rượt đuổi, bắt người vác hàng thuê, chứ chưa "sờ" được tới các đầu nậu, chủ hàng... và quản lý thị trường chính là mắt xích yếu nhất. Nếu không có thay đổi lớn từ lực lượng này kết quả thu được cũng chỉ dừng lại ở những đợt "ra quân" mang tính phong trào, rồi đâu lại vào đấy. Cũng theo vị đại biểu Quốc hội này, tiêu cực nội bộ là nguyên nhân gốc của thực trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tràn lan hiện nay...

Không bắt đúng gốc bệnh, không thể bốc đúng thuốc. "Cuộc đấu tranh chống hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại chưa đạt yêu cầu đề ra..." có nguyên nhân từ việc bắt chưa đúng gốc bệnh, thuốc dùng chưa đủ liều nên dẫn tới tình trạng nhờn thuốc, bệnh ngày càng nặng.

Vậy đâu là phương thuốc đặc trị cho buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả khi đã trở thành thứ bệnh trầm kha? Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng ban Chỉ đạo 389 cho rằng: Chính sách pháp luật còn nhiều bất cập, một bộ phận cán bộ, công chức bị thoái hóa, biến chất đã tiếp tay, bao che, làm ngơ cho các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả lộng hành... Trong đó, nhức nhối nhất là các mặt hàng: Xăng dầu, khoáng sản, phân bón giả hoặc kém chất lượng. Đặc biệt, có hiện tượng xuất khống hóa đơn giá trị gia tăng để lấy tiền hoàn thuế lên hàng trăm tỷ đồng ở một số tỉnh phía Nam. Và để đấu tranh một cách hiệu quả với tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, Phó Thủ tướng yêu cầu: Phải nghiêm trị những cán bộ vi phạm pháp luật, có hành vi bao che, buông lỏng trong lĩnh vực này.

Cũng trong phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo 389, nhiều "toa thuốc" đã được đưa ra như phân công, phân nhiệm rõ ràng, mỗi địa bàn phải có một lực lượng chịu trách nhiệm chính (ví dụ trên biển do cảnh sát biển, các tuyến biên giới do bộ đội biên phòng và hải quan, thị trường nội địa thì do công an và quản lý thị trường...), từ đó quy trách nhiệm cụ thể khi xảy ra vụ việc hoặc không hoàn thành nhiệm vụ. Và nếu để tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại xảy ra nghiêm trọng ở địa phương thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm... Một quyết tâm lớn đã được đặt ra, nhưng từ bàn nghị sự tới thực tế vẫn là một "đoạn trường". Cuộc chiến chống buôn lậu, gian lận thương mại sẽ còn cam go. Khó khăn ở các "điểm nóng" trên biển, trên các tuyến biên giới và khó khăn hơn ở cuộc đối đầu với "tiêu cực nội bộ".

Với việc thành lập Ban Chỉ đạo 389 cùng quyết tâm và những giải pháp mới, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại có từng bước được đẩy lùi? Câu trả lời là: Đã bắt đúng bệnh, bốc đúng thuốc, vấn đề chỉ còn là sử dụng có đủ liều và đúng thời điểm hay không mà thôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thuốc mới có đẩy lùi bệnh cũ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.