(HNM) - Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và to tát của lực lượng nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời”. Nói cách khác, không chỉ công tác kiểm tra Đảng, sự tham gia kiểm tra, giám sát của các tổ chức, đoàn thể, người dân cũng có ý nghĩa vô cùng to lớn, bởi đây được xem là “thước đo” năng lực cán bộ sát thực tế nhất.
Để phát huy hiệu quả quyền làm chủ của nhân dân qua giám sát, phản biện, ngày 12-12-2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Quyết định số 217-QĐ/TƯ về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và Quyết định số 218-QĐ/TƯ ban hành Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Tại Hà Nội, sau 3 năm thực hiện các chủ trương này, đã thu được hiệu quả rõ rệt, khơi dậy và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng và phát triển Thủ đô.
Các Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ngày càng hoạt động hiệu quả. Mỗi địa phương, đơn vị cũng có cách làm sáng tạo riêng, phù hợp với thực tiễn cơ sở để phát huy hiệu quả công tác giám sát. Chỉ riêng năm 2016, đội ngũ thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư của cộng đồng đã thực hiện 5.642 cuộc, đề nghị thu hồi hơn 23,3ha đất và 72,9 triệu đồng. Các hoạt động phản biện xã hội được triển khai ngày càng rộng rãi hơn, đóng góp hiệu quả tích cực vào xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách. Việc tổ chức các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được hình thành cơ chế rõ nét hơn cả về cách thức góp ý cũng như tiếp thu, chỉnh sửa (nếu có hạn chế, sai sót); vừa tạo không khí dân chủ, vừa góp phần giám sát, phòng ngừa những biểu hiện tiêu cực, sai phạm trong Đảng, trong bộ máy hành chính.
Thế nhưng, nghiêm túc nhìn nhận thì tại nơi nọ, nơi kia, công tác giám sát, phản biện xã hội chưa được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả thu được chưa cao. Điều đó dẫn tới vẫn còn những công trình đầu tư chưa hiệu quả, không bảo đảm chất lượng hay tình trạng bổ nhiệm cán bộ “đúng quy trình” nhưng lại khiến dư luận băn khoăn về chất lượng nhân sự.
Bên cạnh nguyên nhân về chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận tại cơ sở còn nhiều bất cập, cơ chế tiếp cận, thông tin để thực hiện công tác giám sát còn hạn chế..., thẳng thắn nhìn nhận thì nguyên nhân chính vẫn là vai trò, ý thức trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp về vấn đề này. Nếu thực sự phát huy tốt vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân, chắc chắn công tác xây dựng chính sách sẽ đạt kết quả cao hơn, nhiều vấn đề nổi cộm sẽ được tháo gỡ ngay từ cơ sở, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh.
Nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của công tác giám sát, phản biện xã hội, bên cạnh tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện công tác này, lãnh đạo TP Hà Nội luôn thường xuyên về cơ sở, trực tiếp lắng nghe, giải quyết kiến nghị, bức xúc của người dân, cử tri. Những cuộc đối thoại trực tiếp với nhân dân của lãnh đạo các quận, huyện xuất hiện ngày càng nhiều thời gian vừa qua là minh chứng rõ nét. Mới đây, chiều 9-12, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cùng một số lãnh đạo thành phố đã trực tiếp tiếp công dân, giải quyết 5 vụ việc khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết dứt điểm…
Nhờ vậy, nhiều vấn đề bức xúc của cuộc sống đã được tháo gỡ, nhiều chủ trương, dự án đã được triển khai hiệu quả hơn. Và nhìn sâu hơn, mở rộng dân chủ, thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân chính là giải pháp để các nghị quyết trên đi vào cuộc sống hiệu quả hơn, giúp cán bộ, đảng viên soi lại mình rõ hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.