Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực hiện nghiêm việc khoanh vùng, cách ly ở các quốc gia có người nhiễm Covid-19: Biện pháp cấp thiết và hiệu quả

Minh Hiếu| 29/02/2020 23:12

(HNMO) - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) rạng sáng 29-2 (theo giờ Việt Nam) đã nâng cảnh báo toàn cầu về nguy cơ dịch Covid-19 lên mức “rất cao”. Là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây từ người sang người, cách tốt nhất và cần thiết để kiểm soát và làm chậm lại tốc độ lây lan của dịch là khoanh vùng, cách ly và hạn chế đi lại. Trong đó, sự quyết liệt, tuân thủ những quy định liên quan đến cách ly được các quốc gia xem là biện pháp cấp thiết, có tính hiệu quả cao trong kiểm soát dịch bệnh.

Cách ly và hạn chế đi lại là biện pháp cần thiết mà các quốc gia đang áp dụng để kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19.

Tại tâm điểm của dịch bệnh ở thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, nhiều khu cách ly, tránh lây nhiễm chéo đã được thành lập ngay khi phát hiện dịch. 

Tại Hàn Quốc, sau khi dịch bệnh có dấu hiệu bùng phát, chính quyền nước này đã khẩn trương cách ly bắt buộc hơn 6.000 người. Khoảng 9.300 thành viên giáo phái Tân Thiên Địa ở thành phố Daegu, tâm điểm của dịch Covid-19 tại nước này cũng được yêu cầu tự cách ly và thực hiện các xét nghiệm cần thiết.

Tại Australia, chính quyền thành phố Gold Coast, bang Queensland đã cách ly toàn bộ 40 khách của một cơ sở làm đẹp tại thành phố này sau khi một người thợ làm việc tại đây trở về từ Iran được xác nhận dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

Trong khi đó, tại Italia, Thủ tướng Giuseppe Conte cho biết, ngoài 11 thị trấn với tổng cộng khoảng 50.000 người đang bị cách ly nghiêm ngặt, người dân một số vùng khác có thể sẽ phải đối mặt với việc bị cách ly trong nhiều tuần để phòng, chống sự bùng phát của dịch bệnh.

Tại CHLB Đức, công tác cách ly cũng được tiến hành ngay khi phát hiện tại địa phương có nhiều người dương tính với Covid-19. 

Trên thực tế, khoanh vùng và cách ly được xem là cách thức ứng phó hiệu quả và bắt buộc đối với bệnh truyền nhiễm được tất cả quốc gia trên thế giới áp dụng. Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ dân sinh Mỹ Alex Azar cho rằng, việc hạn chế đi lại, cách ly bắt buộc và tự nguyện có ý nghĩa rất lớn trong việc làm chậm sự lây lan của vi rút, tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng tập trung nguồn lực để đối phó với dịch bệnh. 

Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng như vậy, hầu hết các quốc gia đều xử lý rất nghiêm việc vi phạm quy định về cách ly. Tại thủ đô Bắc Kinh, chính quyền đã chính thức áp dụng luật cách ly 14 ngày với tất cả những người từ nơi khác đến thành phố này, các trường hợp chống đối hoặc từ chối sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Trong một diễn biến mới nhất, ngày 28-2 (giờ địa phương), nhà chức trách thủ đô Mátxcơva của Nga đã trục xuất 88 công dân nước ngoài do vi phạm chế độ cách ly phòng ngừa dịch Covid-19.

Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh của WHO, bà Silvie Briand, việc Trung Quốc nhanh chóng ra quyết định cách ly toàn bộ thành phố Vũ Hán với dân số hơn 11 triệu người, cũng như các thành phố có dịch khác, đã giúp trì hoãn sự lây lan của dịch bệnh tại nước này và ra thế giới. Nhờ vậy, các nước đã có thêm thời gian để chuẩn bị phương án đối phó với bệnh dịch. Nói như chuyên gia David Fisman - Đại học Toronto, Canada: “Nếu hàng ngàn người nhiễm bệnh tại Vũ Hán không được cách ly mà tự do di chuyển đến nơi khác thì mỗi địa điểm họ đặt chân tới sẽ có khả năng trở thành một Vũ Hán tiếp theo”.

Các chuyên gia y tế cho biết, sự gia tăng số ca mắc bệnh là do vi rút SARS-CoV-2 có thể lây thông qua việc tiếp xúc với người nhiễm vi rút ngay từ giai đoạn ủ bệnh. Bởi vậy, để phòng, chống dịch bệnh phát tán thì việc khoanh vùng, cách ly là lựa chọn tối ưu. Đặc phái viên của WHO tại Vũ Hán, Bruce Aylward nhận định, việc cách ly tạo áp lực rất lớn đối với các chính phủ và cả người dân, nhưng đây là biện pháp phòng ngừa sớm vô cùng hiệu quả. 

Trong lời cảm ơn gửi tới những người đã hợp tác trong việc cách ly khi trở về từ tàu Diamond Princess tại Nhật Bản và thành phố Vũ Hán, bác sĩ Nancy Messonnier, Giám đốc Trung tâm Miễn dịch và Các bệnh đường hô hấp Mỹ nhận định, việc họ hoàn thành cách ly 14 ngày là hành động tự giúp chính mình, giúp cho người thân và cộng đồng không bị lây nhiễm.

Chia sẻ quan điểm này, chuyên gia dịch tễ học Christopher Dye của Trường Đại học Oxford, Anh tuyên bố, sự ngần ngại, bất hợp tác trong việc hạn chế di chuyển hoặc thực hiện các biện pháp cách ly chẳng khác nào hành động “mở cửa cho vi rút”.

Kinh nghiệm từ Trung Quốc, nơi số ca tử vong và nhiễm mới giảm đáng kể trong những ngày gần đây, cũng như hành động kiên quyết của nhiều quốc gia khác cho thấy, việc cách ly đã chứng minh được tính hiệu quả, góp phần đáng kể trong việc kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan, từ đó góp phần đẩy lùi dịch Covid-19. 

Thực tế nêu trên đã khẳng định rõ tính cấp thiết, cần thiết của việc cách ly để phòng, tránh dịch bệnh. Vậy nhưng, trong những ngày qua, một số người có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao khi về Việt Nam vẫn trốn tránh việc cách ly. Hành vi này đe dọa phá hủy những thành công bước đầu trong công tác phòng, chống dịch tại Việt Nam suốt thời gian qua. Việc này đòi hỏi các cấp chính quyền và cơ quan chức năng phải có những biện pháp quyết liệt để mỗi người phải có trách nhiệm cao hơn trước gia đình và cộng đồng xã hội trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện nghiêm việc khoanh vùng, cách ly ở các quốc gia có người nhiễm Covid-19: Biện pháp cấp thiết và hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.