Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thúc đẩy thị trường

Gia Khánh| 10/05/2023 06:56

(HNM) - Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng chậm lại, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét mở rộng đối tượng cho vay tiêu dùng và xem đây là một trong những động lực tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.

Thực tế, từ cuối năm 2022, đà xuất khẩu hàng hóa thu hẹp dần do nhiều thị trường lớn lạm phát đã khiến đơn hàng sản xuất sụt giảm đáng kể. Hệ quả là tăng trưởng Tổng sản phẩm trong nước quý I-2023 chỉ đạt 3,32%, là mức tăng rất thấp. Hết tháng 4-2023, chỉ số sản xuất công nghiệp, xuất khẩu vẫn chưa thể hồi phục. Vì vậy cần phải tìm động lực, giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2023 và những năm tới.

Trong bức tranh chung, thị trường trong nước tiếp tục là trụ cột, là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Theo số liệu thống kê, 4 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2022. Thúc đẩy thị trường trong nước là thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, thúc đẩy sản xuất, từ đó tạo ra việc làm, thu nhập và thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng. Và các gói cho vay tiêu dùng được coi là trợ lực thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng.

Mặt khác, nhu cầu tín dụng tiêu dùng cũng là khoảng trống cần khỏa lấp. Hiện, khoảng 20% người dân có nhu cầu vay tiền chi tiêu tiếp cận các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính, phần còn lại là vay người thân, bạn bè, hoặc “tín dụng đen”. Ước tính trong 10 năm qua, tăng trưởng tín dụng tiêu dùng luôn cao hơn tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế, với mức tăng bình quân giai đoạn 2010-2020 là 33,7%, cao hơn mức tăng chung 16%. Từ cuối năm 2022, khi nguy cơ lạm phát tăng cao, tín dụng ngân hàng được kiểm soát chặt chẽ, tăng trưởng tín dụng tiêu dùng cũng chậm lại. 

Đối với các ngân hàng thương mại, khi tăng trưởng tín dụng thấp chỉ đạt 2,57% trong 4 tháng đầu năm 2023, nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tín dụng tiêu dùng là giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng chung. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là để kích cầu tín dụng, các ngân hàng thương mại phải thiết kế những gói vay ưu đãi, hợp lý, linh hoạt, đáp ứng nhiều loại nhu cầu, đối tượng khác nhau. Và điều quan trọng nhất là lãi suất phải hợp lý, nhất là khi người tiêu dùng giảm sút thu nhập, cũng đang phải thắt chặt chi tiêu. Với mặt bằng lãi suất huy động bình quân hơn 8%/năm, lãi suất cho vay vào khoảng 12-14%/năm - là mức khá cao. Được biết, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bằng việc hạ lãi suất điều hành và bảo đảm thanh khoản cho các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất hạ đến đâu còn phụ thuộc ở các ngân hàng thương mại.

Hiện, áp lực lạm phát trong nước giảm đáng kể, là điều kiện cơ bản để ưu tiên cho chính sách tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô vẫn đặt trên hết, do đó, các chính sách phải bảo đảm hài hòa, hợp lý, chủ động, chắc chắn, phản ứng linh hoạt, kịp thời với diễn biến trong nước và thế giới.

Cho vay tiêu dùng cũng là xu hướng tất yếu, do đó cần nâng cao nhận thức cho người dân về dịch vụ tài chính tiêu dùng. Trước hết, các ngân hàng, tổ chức tài chính cần làm tốt việc tư vấn khách hàng; có định hướng, cập nhật kiến thức về tài chính để khách hàng sử dụng dịch vụ đúng đắn, có trách nhiệm trong tìm hiểu quy trình vay, thực hiện hợp đồng, thanh toán khoản vay. Có như vậy, tín dụng tiêu dùng mang lại hiệu quả cho cả người tiêu dùng, ngân hàng, từ đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy thị trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.